Skip to main content
Ban biên tập | 8 July 2019

          Đồng Đăng là thị trấn giáp biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, thuộc huyện Cao Lộc – Lạng Sơn. Phía bắc tiếp giáp với Trung Quốc cách thành phố Lạng Sơn 14km về phía Đông Nam, về phía đông giáp xã Bảo Lâm, phía nam giáp với Phú Xá, phía tây giáp với xã Tân Mỹ. Từ thị trấn Đồng Đăng còn có quốc lộ 1B đi thành phố Thái Nguyên và quốc 4A đi Cao Bằng. Một điều thuận lợi nữa của Đồng Đăng là tuyến đường sắt liên vận quốc tế từ Việt Nam đi qua ga Đồng Đăng để sang Trung Quốc và từ đây cũng có thể sang các nước khác. Thị trấn nằm gọn trong một thung lũng rộng gần 700ha, trong đó ¾ là đồi núi, chủ yếu gồm 4 dân tộc Kinh, Tày, Nùng và Hoa. Đến tham quan thị trấn Đồng Đăng ngày nay du khách sẽ được tham quan vùng đất có bề dày truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước, tham quan di tích lịch sử, cũng như trải nghiệm không khí buôn bán sầm uất của miền biên cương.

          Pháo đài Đồng Đăng (thị trấn Đồng Đăng, Lạng Sơn)

          Được xây dựng trước năm 1945 trên một ngọn núi có thể bao quát toàn bộ khu vực xung quanh. Trong những ngày đầu của cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc của quân và dân ta, nơi đây là một cứ điểm đã tiêu diệt nhiều kẻ địch, bẻ gẫy nhiều cuộc tấn công, đồng thời là nơi trú ẩn của hàng trăm người dân thị trấn Đồng Đăng.

Pháo đài Đồng Đăng ( ảnh báo Dân Trí)

          Đền Mẫu Đồng Đăng

          Nằm ở trung tâm thị trấn Đồng Đăng thuộc huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, cách cửa khẩu Hữu Nghị 4km. Đây là ngôi đền lớn có giá trị đặc biệt về kiến trúc, tín ngưỡng tôn giáo và lịch sử, là nơi nhân dân các dân tộc trong tỉnh, du khách trong nước và quốc tế đến thờ cúng, sinh hoạt văn hóa tâm linh, nguyện cầu sự che chở của các đấng linh thiêng cho cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc; qua đó gắn kết tinh thần cộng đồng và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đền Mẫu Đồng Đăng trước đây nằm trong một mái đá sát chân núi (cách vị trí đền ngày nay khoảng hơn 300m về phía đông bắc), hiện tại ở vị trí này còn có một bia ma nhai, kích thước: 53cm x 80cm, cạnh đó có một nghiêm mực đá được chạm khắc vào tháng sáu năm Kỷ Tỵ, triều Gia Long thứ 8 (1809). Sau này, thấy nơi đây chật hẹp không mấy thuận tiện cho việc thờ cúng, nhân dân địa phương đã di chuyển nơi thờ tự đến vị trí hiện nay. Đây là nơi thờ tự tín ngưỡng thánh Mẫu và Phật theo kiểu “Tiền Thánh – Hậu Phật”. Lễ hội đền Mẫu Đồng Đăng được tổ chức vào ngày mùng 10 tháng Giêng hàng năm thu hút hàng nghìn lượt du khách trong nước và quốc tế đến đây thưởng ngoạn nét văn hóa đặc sắc của người dân xứ Lạng. Ngày nay, đền Mẫu Đồng Đăng còn là một điểm dừng chân trong tuor du lịch từ các tỉnh đến Lạng Sơn, đi cửa khẩu Tân Thanh và chợ Đông Kinh… 

​Đền Mẫu Đồng Đăng

          Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị

          Nằm trên tuyến Quốc lộ 1A, cách thành phố Lạng Sơn 17 km về phía bắc, cách Hà Nội 171 km về phía đông bắc. Nơi diễn ra các hoạt động xuất nhập cảnh, giao lưu và xuất nhập hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc; Điểm nối tuyến đường cao tốc Nam Ninh – Hà Nội, là cầu nối quan trọng trong phát triển quan hệ kinh tế giữa Việt Nam, Trung Quốc và các nước ASEAN. Tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị có cột mốc 1116 gắn Quốc huy của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thiêng liêng của Tổ quốc, đây là điểm đầu Quốc lộ 1A nối Lạng Sơn với Mũi Cà Mau.

 

​​

Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị

          Cửa khẩu quốc tế đường sắt ga Đồng Đăng

          Được kết nối với Trung Quốc tại khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, nhà ga là điểm cuối của tuyến đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng và được nối với ga Bằng Tường thuộc tuyến đường sắt Hành Dương – Bằng Tường của Trung Quốc. Đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng (trước năm 1978 gọi là Đường sắt Hà Nội – Mục Nam Quan) là tuyến đường sắt liên vận quốc tế nối Hà Nội với các tỉnh trung du và miền núi Đông Bắc dài 162 km. Trải qua gần 1 thế kỷ xây dựng, nhà ga đã xuống cấp và đã được trùng tu, sửa chữa với các hạng mục khuôn viên trước cổng ga, tuyến đường hai bên vào trong sân ga, sảnh chính nhà ga được thảm nhựa. Vườn hoa, cây xanh được tôn tạo, xây mới. Bên trong sân ga, khu vực hành khách đón tàu được đầu tư xây dựng mái che bằng nhựa… vệ sinh xung quanh khu vực sân ga; cây cối, bụi rậm được phát quang để đảm bảo đường thông, hè thoáng, bên trong nhà ga, toàn bộ hệ thống đường ray được vệ sinh, quét dọn và căn chỉnh kỹ thuật. Tại đây ngày 26/2, Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên Kim Jong Un đến thị trấn biên giới Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn trên đoàn tàu hỏa đặc biệt, bắt đầu chuyến tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều Tiên lần thứ hai tại Hà Nội trong 2 ngày 27 – 28/2 và thăm hữu nghị chính thức Việt Nam. Toàn bộ nhà ga khoác một tấm áo được sơn màu vàng nay là 1 địa điểm mang dấu ấn lịch sử cũng như biểu tượng cho sự giao thương phát triển kinh tế của Lạng Sơn.

 

Nguồn: dulichlangson.com.vn