Skip to main content
Ban biên tập | 4 July 2019

Trong 02 ngày, 25-26/6/2019, tại Quảng Ninh, Báo Lao động và Xã hội tổ chức Hội thảo “Giải pháp đột phá truyền thông trong lĩnh vực việc làm, giáo dục nghề nghiệp và BHXH”. Trong đó, đề ra các giải pháp nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, năng lực truyền thông trong lĩnh vực việc làm, giáo dục nghề nghiệp và BHXH tại các cơ quan truyền thông, báo chí của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.

Toàn cảnh Hội thảo

Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ, nguyên lãnh đạo các đơn vị của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; đại diện lãnh đạo các cơ quan truyền thông, báo chí của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm truyền thông (BHXH Việt Nam); đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội của một số địa phương.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Quyền Tổng Biên tập Báo Lao động - Xã hội Nguyễn Trung Chính cho biết, những năm gần đây, các cơ quan báo chí đã chuyển phong cách làm báo hiện đại theo mô hình tòa soạn đa phương tiện để phát huy thế mạnh thông tin nhanh, phong phú, đa chiều cùng sự tương tác giữa tòa soạn với độc giả,. Với tính ưu việt đó, Ông Nguyễn Trung Chính cho rằng, việc thông tin, truyền thông chính sách lao động, việc làm, người có công, BHXH đã tạo được sự hấp dẫn và lan tỏa trong toàn xã hội.

Theo Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Việc làm Lê Quang Trung, để chính sách, pháp luật về việc làm, BHXH đi vào cuộc sống thì cần có sự tham gia tích cực của các cơ quan truyền thông, báo chí. Trong thời gian qua, Cục Việc làm đã phối hợp với các cơ quan báo chí của ngành, đăng tải các bài viết, thông tin về những lĩnh vực việc làm, đồng thời, phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật liên quan trong lĩnh vực việc làm, BHXH, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội.

Nhận định về vai trò của báo chí, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông, BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hương cho biết,  tính riêng trong 06 tháng đầu năm 2019, đã có gần 3.000 tin, bài, phóng sự, chương trình, tọa đàm về các lĩnh vực BHXH, BHYT. Các tin bài, chương trình, phóng sự… được đăng tải kịp thời, với chất lượng thông tin ngày càng chuyên sâu, góp phần quan trọng trong việc thực hiện tốt công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật BHXH, BHYT. Hình thức các sản phẩm thông tin, truyền thông đa dạng; nội dung thông tin phong phú, đi vào chiều sâu, đảm bảo đúng chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, đúng định hướng, trọng tâm, trọng điểm.

Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông (BHXH Việt Nam) Nguyễn Thị Thu Hương chia sẻ tại Hội thảo

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Nguyễn Thị Thu Hương, công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT cần phải được đổi mới, sáng tạo, hiệu quả. Mỗi cơ quan báo chí cần xây dựng đội ngũ cộng tác viên là các chuyên gia về an sinh xã hội để có những bài viết chất lượng, phân tích chính xác về những vấn đề liên quan đến BHXH, BHYT, bảo đảm cung cấp thông tin kịp thời đến công chúng, lan tỏa thông điệp về bản chất nhân văn, sâu sắc chính sách BHXH, BHYT của Đảng, Nhà nước.

Trong bối cảnh Quốc hội đang bàn luận thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế Hà Đình Bốn cho rằng, công tác truyền thông cần bám sát, kịp thời tạo sự lan tỏa trong xã hội về Bộ luật Lao động sửa đổi. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các Cục, Vụ, đơn vị của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, bám sát tuyên truyền các lĩnh vực của ngành. Bên cạnh đó, các đơn vị của Bộ cần chủ động phối hợp hỗ trợ các cơ quan báo chí để tuyên truyền hiệu quả, nhất là những vấn đề việc làm, đào tạo nguồn nhân lực, an sinh xã hội trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cần được đẩy mạnh truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng..

Đưa ra những kiến nghị nhằm tiếp tục nâng cao năng lực truyền thông trong các cơ quan báo chí của ngành, Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội Trần Ngọc Diễn đề xuất một số giải pháp như: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần tăng cường đầu tư, nâng cấp trang thiết bị cho các cơ quan báo chí, nhất là về hạ tầng công nghệ thông tin; đồng thời, chỉ đạo các đơn vị trong Bộ, các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ sở trực thuộc ngành tạo điều kiện cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí của Bộ một cách nhanh nhất, chính xác nhất, thực hiện tốt trách nhiệm của người phát ngôn. Có chính sách đặt hàng hoặc các chương trình truyền thông cho các cơ quan báo chí của Bộ. Các cơ quan báo chí của Bộ cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn và có cơ chế thu hút một số phóng viên giỏi, ưu tiên là các nhà báo trẻ, có phẩm chất chính trị đạo đức tốt, có năng lực chuyên môn báo chí truyền thông vững, có khả năng tiếp thu và ứng dụng công nghệ tốt, có ít nhất một ngoại ngữ. Bên cạnh đó, cần thường xuyên cử phóng viên bám sát các Vụ, Cục, đơn vị trong Bộ, các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để kịp thời phản ánh về công tác lao động, người có công và xã hội, BHXH, nhất là các vấn đề nóng, được đông đảo bạn đọc và người dân quan tâm. Tăng cường các hoạt động kinh tế báo chí, nâng chất lượng tuyên truyền và cải thiện đời sống cán bộ, phóng viên…

Nguồn: baohiemxahoi.gov.vn