Skip to main content
Ban biên tập | 11 June 2019

          Năm 2018, công tác đối ngoại của Việt Nam tiếp tục đạt được nhiều thành tựu nổi bật về mọi mặt, được đánh giá là một điểm sáng trong những thành tựu chung của đất nước trong quá trình đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế. Đóng góp vào những thành tựu đó, có vai trò đặc biệt quan trọng của công tác thông tin đối ngoại.

          Với mục đích động viên, khuyến khích các lực lượng làm công tác thông tin đối ngoại trong và ngoài nước, Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại được Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại chủ trì, tổ chức là sự kiện tôn vinh những tác phẩm báo chí và ấn phẩm tuyên truyền, thông tin đối ngoại xuất sắc, đã tạo ra sức lan tỏa sâu rộng, trở thành cầu nối tuyên truyền hiệu quả về hình ảnh Việt Nam đến với bạn bè quốc tế trên khắp thế giới.

          Đánh giá về công tác thông tin đối ngoại những năm qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, thông tin đối ngoại đã có những bước phát triển vượt bậc, đóng góp tích cực vào những thành tựu đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta nói chung, thành công của công tác tuyên giáo nói riêng; tạo dựng được sự đồng thuận và ủng hộ quý báu của nhân dân trong nước cũng như bạn bè quốc tế, tạo nên sức mạnh tổng hợp, nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

          TTXVN cho biết năm 2018 là năm thứ 5 Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại được tổ chức. Giải thưởng lần này nhận được khoảng 1.000 tác phẩm thuộc các loại hình báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình, ảnh và sách, thể hiện bằng 13 ngôn ngữ, của trên 1.000 tác giả, nhóm tác giả đến từ hơn 70 cơ quan báo chí của các ban, bộ, ngành Trung ương, trên 60 cơ quan báo chí của địa phương và 12 nhà xuất bản trên toàn quốc, các chuyên gia, phóng viên báo chí nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài.

          Các tác phẩm đã đáp ứng đúng yêu cầu, thể lệ, tiêu chí cuộc thi, có chất lượng chuyên môn cao. Các tác giả, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí, xuất bản từ các đơn vị, địa phương trong cả nước, kiều bào ở nước ngoài, với lòng yêu nước sâu sắc, bằng tài năng trí tuệ, nhãn quan chính trị sắc bén, sự sáng tạo bền bỉ… đã tạo nên những tác phẩm có chất lượng, phục vụ hiệu quả cho công tác thông tin đối ngoại, góp phần tạo sự tin tưởng, đồng thuận và ủng hộ cao của các tầng lớp nhân dân trong, ngoài nước và bạn bè quốc tế, tạo nên sức mạnh tổng hợp; nâng cao uy tín, vị thế và hình ảnh của Việt Nam ở trong khu vực và trên thế giới.

          Theo Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Bùi Trường Giang, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại Trung ương, điểm mới của Giải năm nay là số lượng, cơ cấu giải thưởng mở rộng hơn so với các năm trước; các tác phẩm truyền hình có thời lượng phát sóng tối đa 120 phút (trước đây là 90 phút). Tác phẩm đăng tải trên một số trang tin điện tử cũng được tham gia dự thi. Ngoài ra, một số đơn vị, tập thể có nhiều tác phẩm chất lượng được xem xét, đề nghị tặng thưởng Bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương.

          Chủ đề, nội dung các tác phẩm dự thi rất phong phú, đa dạng, đề cập mọi vấn đề của công tác thông tin đối ngoại, bảo đảm tính thời sự, tính đối ngoại, kịp thời truyền tải đến người dân trong nước, bạn bè quốc tế, người Việt Nam ở nước ngoài thông tin về các sự kiện chính trị - đối ngoại lớn của nước ta trong năm 2018, các hoạt động hợp tác quốc tế của Việt Nam.

          Trong lĩnh vực nghiên cứu, lý luận, nhiều tác phẩm nghiên cứu chuyên sâu, công phu, góp phần giúp người đọc hiểu thêm về chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước ta…

          Bên cạnh đó còn có tuyến bài thông tin, tuyên truyền, phản ánh những nỗ lực của Việt Nam, kết quả và cả những tác động khi hội nhập kinh tế quốc tế, việc Việt Nam cùng các nước thành viên Hiệp định CPTPP chính thức khởi động hiệp định thương mại thế hệ mới; tham gia tiến trình đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA); tổ chức lần đầu tiên Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN 2018), quảng bá hình ảnh Việt Nam bằng phát triển kinh tế, hàng hóa, nông sản, thương hiệu Việt trong cạnh tranh khu vực và toàn cầu; tuyến bài thông tin, phản ánh vai trò, vị thế và uy tín của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế, khu vực, những nỗ lực của Việt Nam tham gia vào các vấn đề toàn cầu như gìn giữ bảo vệ hòa bình ở cấp độ cao hơn, chống biến đổi khí hậu, khắc phục hậu quả chiến tranh…

          Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ biên giới quốc gia là một chủ đề nổi bật cũng được nhiều cơ quan báo chí đề cập. Tuyến bài này góp phần củng cố thêm những luận cứ khoa học, thực tiễn trong đấu tranh trên mặt trận truyền thông, báo chí, từ nhiều khía cạnh, nhiều lực lượng báo chí, xuất bản, của các cơ quan giáo dục, văn hóa, lịch sử, ngoại giao để bác bỏ luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, cơ hội, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

          Ở chủ đề đấu tranh, chống diễn biến hòa bình, các tác phẩm dự thi phản ánh các vấn đề về dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, thể hiện cái nhìn đa dạng, tổng thể về đời sống tôn giáo ở Việt Nam và những đóng góp không thể phủ nhận của các chức sắc, đồng bào tôn giáo đối với đất nước.

          Bên cạnh các bài viết có nội dung thời sự về các sự kiện đối ngoại quan trọng trong năm 2018, còn có nhiều bài viết quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam qua việc giới thiệu những nét đặc trưng về văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực, thời trang, đời sống các dân tộc; các danh lam, thắng cảnh của đất nước… bằng các phương tiện nghe - nhìn hấp dẫn và đa dạng về loại hình. Sức lan tỏa của ngoại giao văn hóa đã góp phần không nhỏ vào thành công của ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Thông qua các tác phẩm đã góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam tươi đẹp, giàu tiềm năng, có nền văn hóa đa dạng, đặc sắc, con người Việt Nam thông minh, cần cù, chịu khó, thân thiện và mến khách; phản ánh tình cảm của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam; tình cảm và đóng góp của kiều bào đối với quê hương; ghi nhận, vinh danh những thành công của người Việt Nam ở nước ngoài…

          Song song với việc đầu tư đề tài đa dạng, phong phú, chất lượng chuyên môn của các tác phẩm dự Giải cũng ngày càng được nâng cao. Nhiều tác phẩm được đầu tư công phu, ý tưởng, chủ đề đặc sắc, phương pháp thể hiện sáng tạo, ứng dụng công nghệ báo chí điện tử tiên tiến như longform, megastory, tích hợp đa phương tiện… tạo nên những sản phẩm sinh động, hấp dẫn độc giả.

          Một số bài viết, bài nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí uy tín của nước ngoài như Tạp chí Diplopmat, ấn phẩm International Studies, ấn phẩm RSIS Commentary (Singapour), ấn phẩm Maritim Issues, Báo "The Journal of MENA Sciences"... góp phần làm cho bạn bè quốc tế, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiểu rõ hơn về quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta trong quan hệ đối ngoại, trong việc giải quyết các tranh chấp về vấn đề chủ quyền lãnh thổ biên giới quốc gia bằng biện pháp hòa bình, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế với Việt Nam.

          Theo Phó Tổng Giám đốc TTXVN, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại năm 2018 Lê Quốc Minh, Giải thưởng lần này có sự tham gia của ngày càng nhiều tác giả nước ngoài. Từ những giải thưởng đầu tiên chỉ có một vài tác giả, đến nay nhiều tác giả nước ngoài đã gửi bài đến dự thi. Hiện số lượng ngôn ngữ mà Ban Tổ chức Giải thành lập các Tiểu ban để chấm giải đã lên đến 13 - 15 tiểu ban, gồm các ngôn ngữ như Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc. Năm nay có tác giả từ Mông Cổ đã gửi bài tham dự.

          Sự chủ động của các cơ quan báo chí Việt Nam trong việc tuyên truyền đối ngoại là vô cùng quan trọng, nhưng những bài viết của các tác giả nước ngoài đăng trên chính những sản phẩm báo chí của nước họ, sức lan tỏa còn lớn hơn rất nhiều. Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại một phần có tác động vinh danh những hoạt động thông tin đối ngoại của Việt Nam, nhưng điều quan trọng hơn là khuyến khích sự tham gia của các tác giả nước ngoài, từ đó sẽ thúc đẩy tác giả nước ngoài viết về Việt Nam nhiều hơn nữa. Bên cạnh việc lan tỏa thông tin bằng chính nội lực của mình, cộng với những bài viết của các phóng viên, biên tập viên nước ngoài đăng tải bằng ngôn ngữ của họ trên chính tờ báo của họ, lúc đó, công tác thông tin đối ngoại của Việt Nam sẽ thực sự đạt hiệu quả to lớn.

          Điều này đã phần nào được thể hiện trong cơ cấu đối tượng tham dự Giải thưởng năm nay, bởi ngoài tác giả là phóng viên, biên tập viên, các chuyên gia, bạn đọc trong nước, còn có các nhà ngoại giao ở trong nước, lãnh đạo cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài gửi bài tham dự, qua đó cho thấy trách nhiệm với công tác quảng bá hình ảnh Việt Nam đã lan tỏa trong các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam bằng các bài viết, hình ảnh cụ thể.

          Giải thưởng cũng đã thu hút sự tham gia của nhiều phóng viên, biên tập viên, chuyên gia nước ngoài.

          Các tác giả nước ngoài đã dành nhiều tình cảm cho Việt Nam, ủng hộ Việt Nam qua những tác phẩm chân thực, sinh động, ấn tượng về các địa danh nổi tiếng, các giá trị văn hóa truyền thống, phản ánh khách quan những nỗ lực, cũng như những thành quả của Việt Nam trong quá trình đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế. Những tác phẩm đó đã thực sự trở thành cầu nối hữu hiệu đưa Việt Nam đến với thế giới và đưa thế giới đến với Việt Nam

          Thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có những biến chuyển nhanh chóng, phức tạp, khó lường đã đặt ra cho công tác thông tin đối ngoại nhiều thuận lợi và cả những thách thức đan xen. Bên cạnh những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế, vị thế, uy tín của Việt Nam ngày càng được nâng cao, địa bàn và đối tượng của công tác thông tin đối ngoại ngày càng mở rộng. Đặc biệt, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ truyền thông hiện đại, các trang mạng, mạng xã hội đã giúp độc giả trong nước, bạn bè quốc tế tiếp cận các thông tin một cách nhanh chóng, kịp thời, đa dạng, đa chiều.

          Tuy nhiên, công tác thông tin đối ngoại cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức bởi tác động của những diễn biến phức tạp, những khó khăn nảy sinh trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước... Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, các hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế, nhiều thông tin sai trái dễ xâm nhập vào xã hội, tác động tới tư tưởng, tình cảm và lối sống của con người Việt Nam, nhất là đối với thế hệ trẻ. Trong khi đó, các thế lực thù địch, phản động tiếp tục gia tăng hoạt động “diễn biến hòa bình” nhằm kích động “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” trên lĩnh vực chính trị - tư tưởng...

          Từ thực tiễn đó, yêu cầu về đa dạng hóa các phương thức tuyên truyền, tranh thủ hiệu quả các phương tiện truyền thông hiện đại, các trang mạng, mạng xã hội là hết sức cần thiết. Đồng thời, các cơ quan báo chí, tuyên truyền cần tăng cường hợp tác với các đối tác thông tấn, báo chí lớn trên thế giới nhằm học hỏi kinh nghiệm, trao đổi các chương trình, sản phẩm thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho phóng viên nước ngoài vào Việt Nam tác nghiệp, viết bài về Việt Nam, tranh thủ hiệu quả các kênh truyền thông uy tín của quốc tế để tuyên truyền về hình ảnh, trách nhiệm và những nỗ lực của Việt Nam tại các diễn đàn khu vực và quốc tế; giới thiệu, quảng bá hình ảnh, văn hóa, con người, thành tựu và những tiềm năng thu hút đầu tư, phát triển du lịch... đến với đông đảo bạn bè quốc tế, người Việt Nam ở nước ngoài.

          Lễ trao Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại năm 2018 được tổ chức ngày 7/6/2019.

Nguồn: Chinhphu.vn