Skip to main content
Ban biên tập | 18 June 2019

          Trong thời gian qua, Chính phủ đã triển khai thực hiện các giải pháp, từng bước hạn chế được tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH, BH thất nghiệp, quyền lợi của người lao động trong các đơn vị, doanh nghiệp đang nợ đóng BHXH, BH thất nghiệp được giải quyết kịp thời hơn. Tuy nhiên, bài toán “Phòng ngừa và giải quyết quyền lợi người lao động khi doanh nghiệp bị phá sản, chủ doanh nghiệp bỏ trốn” vẫn cần được giải quyết triệt để…

          Nhiều giải pháp bảo đảm quyền lợi cho người lao động

          Theo Báo cáo 193/BC-CP của Chính phủ về việc đảm bảo quyền lợi của người lao động theo quy định tại khoản 7 Điều 10 Luật BHXH, tính đến ngày 31/10/2018, số nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp phải tính lãi là 6.760 tỷ đồng. Riêng đối với doanh nghiệp đã giải thể, phá sản, rút giấy phép kinh doanh, chủ bỏ trốn, tính đến tháng 9/2018 là 2.270 doanh nghiệp với số BHXH phải tính lãi khoảng 147 tỷ đồng; ảnh hưởng đến quyền lợi của khoảng 17.728 người lao động.

          Nhằm giải quyết một phần khó khăn, đảm bảo quyền lợi của người lao động, Luật BHXH năm 2014 đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung tăng tính tuân thủ pháp luật, hạn chế tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH. Đồng thời, thực hiện quy định tại khoản 7 Điều 10 Luật BHXH, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhiều biện pháp.

          Trong đó, có quy định cho phép các doanh nghiệp đang gặp khó khăn còn chậm đóng tiền BHXH, BH thất nghiệp được đóng riêng cho từng lao động để kịp thời giải quyết các chế độ BHXH hoặc ghi nhận quá trình đóng BHXH cho người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc để giải quyết chế độ BH thất nghiệp, tiếp tục tham gia BHXH ở các đơn vị mới.

          Tăng tính tuân thủ trong thời gian tham gia BHXH bắt buộc, yêu cầu doanh nghiệp tham gia BHXH đầy đủ cho người lao động; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, công tác thanh tra, kiểm tra về BHXH, tập trung thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các đơn vị, doanh nghiệp cố tình trốn đóng, nợ BHXH theo Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 02/4/2015 về tăng cường thực hiện chính sách BHXH và BHYT, Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 26/12/2016 về tăng cường thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH của Thủ tướng Chính phủ.

          Kiến nghị Quốc hội bổ sung tội trốn đóng BHXH, BH thất nghiệp trong Bộ luật Hình sự năm 2018. Giao trách nhiệm cho UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, đôn đốc các sở, ban, ngành đẩy mạnh công tác thanh tra, đặc biệt là thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH của cơ quan BHXH, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.

          Ngoài ra, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có nhiều văn bản gửi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, BHXH Việt Nam và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị đôn đốc, chỉ đạo triển khai nghiêm túc các quy định của Luật BHXH, trong đó, tập trung vào các giải pháp mở rộng diện bao phủ BHXH, tăng cường tính tuân thủ pháp luật, hạn chế tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH.

          Bên cạnh đó, Công đoàn các cấp cũng thực hiện một số giải pháp: Hỗ trợ người lao động có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền 14,107 tỷ đồng; tạm ứng tiền ngân sách Công đoàn đóng tiền BHXH cho người lao động với tổng số tiền số tiền 1.368 tỷ đồng. Người lao động đã được thanh toán 98,879 tỷ đồng tiền nợ lương, BHXH, trợ cấp. Đặc biệt, các cấp Công đoàn cũng đã làm đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố phá sản đối với 8 doanh nghiệp; khởi kiện tranh chấp lao động theo ủy quyền của người lao động và hỗ trợ người lao động làm đơn khởi kiện 1.407 vụ tranh chấp lao động cá nhân; kiến nghị UBND cấp tỉnh, thành phố chỉ đạo BHXH thực hiện chốt sổ BHXH cho người lao động; tổ chức giới thiệu việc làm mới cho người lao động.

          Tuy nhiên việc đảm bảo quyền lợi của người lao động vẫn chưa được giải quyết triệt để trong trường hợp doanh nghiệp phá sản, rút giấy phép kinh doanh hoặc có chủ là người nước ngoài bỏ trốn mà còn nợ tiền đóng BHXH, BH thất nghiệp

          Xóa khoảng trống về mặt pháp lý

          Tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm “Phòng ngừa và giải quyết quyền lợi của người lao động tại các doanh nghiệp phá sản, có chủ bỏ trốn” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức mới đây, các đại biểu tham dự đã trao đổi về những khó khăn, bất cập trong thực hiện pháp luật, giải quyết và khởi kiện để bảo vệ quyền lợi người lao động; đề xuất giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm sớm phát hiện chủ bỏ trốn, doanh nghiệp phá sản, giảm thiểu rủi ro.

          Về vấn đề quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, đại diện Bộ Kế hoạch Đầu tư cho biết, đây là trách nhiệm của tất cả các bộ, ngành, mặc dù đã có 62 tỉnh, thành phố ký quy chế phối hợp quản lý doanh nghiệp sau khi đăng ký thành lập, nhưng chủ yếu mang tính hình thức, chưa thực chất, công tác phối hợp chưa tốt nên hiệu quả chưa cao; ý thức tuân thủ của doanh nghiệp tại Việt Nam còn kém. Tỷ lệ doanh nghiệp bỏ trốn, mất tích chiếm 50% trong doanh nghiệp ngừng hoạt động tại Việt Nam.

          Trước tình trạng nhiều doanh nghiệp hằng tháng đã trừ tiền BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của người lao động nhưng lại chiếm dụng và không trích nộp về cơ quan BHXH, dẫn đến người lao động khi nghỉ việc không được chốt sổ BHXH để hưởng các chế độ BHXH, đại diện UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, BHXH Việt Nam nghiên cứu đề xuất Chính phủ thành lập Quỹ dự phòng trợ cấp BH thất nghiệp để giải quyết chế độ BH thất nghiệp cho người lao động trong các trường hợp chủ doanh nghiệp bỏ trốn.

          Tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu đã nhấn mạnh, tình trạng doanh nghiệp bỏ trốn, phá sản diễn ra phức tạp trong thời gian qua và sẽ tiếp tục diễn biến bất lợi thời gian tới, ảnh hưởng nặng nề đến quyền lợi người lao động. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đẩy mạnh tuyên truyền về trách nhiệm xã hội và ý thức tuân thủ pháp luật cho chủ doanh nghiệp; tổ chức giám sát nhằm phát hiện sớm, ngăn chặn, phối hợp bảo vệ quyền lợi của người lao động.

          Mặc dù các cấp Công đoàn đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ cho người lao động, tuy nhiên, thực trạng hiện nay vẫn còn khoảng trống về mặt pháp lý, trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thanh tra, kiểm tra việc thực thi pháp luật của các chủ đầu tư. Theo ông Ngọ Duy Hiểu thì cần có giải pháp lựa chọn thu hút các nhà đầu tư; nâng cao năng lực quản lý nhà nước trên địa bàn để sớm phát hiện các trường hợp chủ doanh nghiệp bỏ trốn.

          Tại kỳ họp lần thứ 7 Quốc hội khóa XIV đang diễn ra, góp ý vào Dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, Phó Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu đã đề xuất bổ sung quy định tạm hoãn xuất cảnh đối với chủ doanh nghiệp bỏ trốn nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động trong trường hợp doanh nghiệp bị phá sản, chủ doanh nghiệp bỏ trốn./.

Nguồn: baohiemxahoi.gov.vn