Skip to main content
Ban biên tập | 13 June 2019

          Nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội trong công tác chủ động phòng ngừa và tích cực tham gia đấu tranh chống tội phạm mua bán người; thực hiện có hiệu quả công tác tiếp nhận, xác minh, xác định, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Ngày 7/6/2019, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh Lạng Sơn (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 138 tỉnh) đã ban hành Kế hoạch số 78/KH-BCĐ về việc triển khai thực hiện các hoạt động hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7” năm 2019.

          Theo đó, Ban Chỉ đạo yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, huyện, thành phố, nhất là các huyện chỉ đạo điểm của tỉnh, huyện biên giới tiếp tục quán triệt, phổ biến rộng rãi về “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7” đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người dân. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” với nội dung, hình thức đa dạng, phong phú như: Treo băng rôn, khẩu hiệu, chạy chữ trên bảng điện tử tại cơ quan, trụ sở làm việc, nơi công cộng, tổ chức tọa đàm, mít tinh, diễu hành tuyên truyền, đăng tải thông tin, bài viết trên cổng thông tin điện tử…

          Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động truyền thông tại cộng đồng hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” với những nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với lứa tuổi, vùng miền và tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội. Tiếp tục tổ chức các diễn đàn, đối thoại, tọa đàm, trao đổi, tư vấn, sinh hoạt, nói chuyện chuyên đề… để tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người và các vấn đề khác có liên quan. Xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình phòng ngừa mua bán người hoạt động hiệu quả.

          Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện có hiệu quả công tác truyền thông phòng, chống mua bán người đến từng địa bàn dân cư, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học. Chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí xây dựng, duy trì các chuyên trang, chuyên mục, tin, bài, phóng sự, phim tài liệu, đăng phát các thông điệp phòng, chống mua bán người và tăng thời lượng phát sóng, đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống thiết chế cơ sở, tập trung hưởng ứng "Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người".

          Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Ngoại vụ và các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện tốt công tác xác minh, tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về; đảm bảo các điều kiện tổ chức tiếp nhận, bố trí nơi lưu trú và thực hiện chế độ hỗ trợ cho nạn nhân tại cơ sở bảo trợ xã hội theo quy định, chuyển tuyến hỗ trợ nạn nhân.

          Công an tỉnh (cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 138 tỉnh) có trách nhiệm làm đầu mối, chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục chỉ đạo thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật và hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người, đặc biệt là hợp tác với các lực lượng chức năng Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) trong công tác phòng, chống tội phạm mua bán người, xác minh, giải cứu, tiếp nhận nạn nhân bị mua bán trở về. Tổ chức, tham gia các cuộc tọa đàm, hội thảo chuyên đề chuyên sâu, tập trung vào tuyến, địa bàn trọng điểm, các lĩnh vực dễ phát sinh tội phạm để bàn các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người.

          Cũng theo Kế hoạch Ban Chỉ đạo yêu cầu các hoạt động hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” được thực hiện đảm bảo hiệu quả, thiết thực, tiết kiệm, tránh phô trương hình thức./.

                             Nguyễn Như Trang

                             Trung tâm CNTT &TT