Skip to main content
Ban biên tập | 6 June 2019

          Đó là ý kiến nhấn mạnh của Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) Nguyễn Thị Hà tại Hội nghị Thực hiện Đề án 161 và các hoạt động của cộng đồng văn hóa – xã hội ASEAN diễn ra ngày 31/5 tại TP. Hồ Chí Minh.

          Khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đã thông tin nhanh về kết quả Hội nghị Bộ trưởng Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN năm 2019 tại Chiềng Mai (Thái Lan). Bộ trưởng các nước ASEAN đã ủng hộ, đồng tình sáng kiến “3 - 4 -14” của Thái Lan và các chủ đề về phòng, chống rác thải nhựa trên biển; thúc đẩy công tác truyền thông và văn hóa phòng ngừa; vai trò của thanh niên và phụ nữ trong phát triển kinh tế. Các vấn đề này sẽ được xây dựng thành dự thảo tuyên bố và kế hoạch hành động để trình lên Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN trong năm nay.

          Đánh giá sơ kết về công tác triển khai Đề án 161, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho rằng, sau hơn 3 năm thực hiện Đề án đã nhận được sự chủ động và cam kết của các Bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN trên nhiều phương diện. Đề án đã thành công trong việc lồng ghép tổng thể nội dung ở tất cả các cấp quản lý chương trình, kế hoạch và được thực hiện toàn diện, sâu và rộng đến tất cả các lĩnh vực văn hóa - xã hội. Tuy nhiên, còn một số khoảng trống và hạn chế như vấn đề truyền thông, nâng cao năng lực và nhận thức của cán bộ, nhân dân về ASEAN nói chung và về Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN nói riêng; sự quan tâm của các Bộ, ngành, địa phương còn chưa đúng mức; kế hoạch triển khai Đề án từ Trung ương đến địa phương bị chậm so với dự kiến; cơ chế phối hợp thực hiện còn chưa chặt chẽ ở cấp địa phương và giữa địa phương với các Bộ, ngành.

Các đại biểu thảo luận về phòng, chống bạo lực học đường

          “Tại Hội nghị lần này, bên cạnh việc thảo luận những nội dung: ASEAN trong tiến trình hội nhập chung; kế hoạch thực hiện Đề án 161 năm 2019 và định hướng đến năm 2020… tôi mong muốn các đại biểu tập trung đóng góp, chia sẻ ý kiến, kinh nghiệm đối với vấn đề bảo vệ và thúc đẩy quyền của phụ nữ và trẻ em; phòng, chống bạo lực học đường, trong đó văn hóa phòng ngừa có vai trò rất quan trọng” – Thứ trưởng Hà chỉ đạo tại Hội nghị.

          Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận xung quanh các nội dung: Vấn đề bạo lực học đường (BLHĐ); Tăng cường công tác kiểm tra, quản lý giám sát trong ngành giáo dục; Nguyên nhân bạo lực học đường.

          Theo các đại biểu, một trong những lý do khiến bạo lực học đường xảy ra với tần suất dày đặc trong thời gian gần đây là do sự bùng nổ về công nghệ thông tin, mạng xã hội và mối quan hệ lỏng lẻo giữa các cá nhân trong gia đình (cha, mẹ bận làm ăn kinh tế ít quan tâm đến tâm sinh lý của con). Bạo lực chủ yếu xảy ra ở các em học sinh đang ở lứa tuổi dậy thì. Một số địa phương chưa thực hiện nghiêm túc việc bảo đảm môi trường trường học; chỉ quan tâm đến giáo dục văn hóa mà chưa quan tâm đến giáo dục văn hóa, đạo đức cho học sinh. Nhiều giáo viên thiếu kỹ năng sư phạm. Bên cạnh đó thì sự phối hợp chưa được đồng bộ và chặt chẽ giữa các cơ quan, ban ngành có liên quan, công tác thanh tra, kiểm tra, đôn đốc còn hạn chế.

          Theo bà Tô Thị Kim Hoa, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, vấn đề BLHĐ ngày càng nhiều và phức tạp, gây ra nhiều vấn nạn xã hội nếu không có các biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời. Nhà trường nên cộng tác với Hội Luật sư và các tổ chức thiện nguyện trong công tác thúc đẩy bảo vệ quyền trẻ em; tổ chức tái hiện các phiên tòa xử mô hình trong các trường học cho các em học sinh xem. Tăng cường nói chuyện chuyên đề về phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực trường học đến các trường học; Phát hành các sổ tay bảo vệ quyền trẻ em, dạy kỹ năng sống cho trẻ em (ví dụ kỹ năng ứng phó với những kẻ biến thái, kẻ xấu, bạo lực); Hoạt động bảo vệ trẻ em trước tòa, giúp đưa ra ánh sáng nhiều trường hợp trẻ em bị bạo lực trong cuộc sống.

          Bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam chia sẻ, để chấm dứt BLHĐ, cần đảm bảo tính nhất quán trong các chính sách cũng như các cách thức đối với trẻ em. Cần phải tập trung vào việc tăng cường nhận thức và năng lực cho phụ huynh, học sinh, nhà trường. Cần phải phát triển các kỹ năng cho chính các em học sinh. Vấn đề đầu tiên hiện nay là cha mẹ hãy bỏ điện thoại xuống chuyện trò, tâm sự cùng con một cách thân mật và ấm áp nhất.

          Đóng góp ý kiến tại tọa đàm, bà Trần Thị Kim Thanh, trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới, Sở LĐ-TBXH TP.HCM kiến nghị, phải có cán bộ làm công tác xã hội trong trường học. Cần có chỉ đạo làm truyền thông tích cực hơn a, bên cạnh truyền thông diện rộng, cần có truyền thông nhóm nhỏ; Bộ GDĐT, trong các cuộc họp phụ huynh cần có chuyên đề trao đổi về tâm sinh trẻ. Sự phối hợp liên ngành, liên lĩnh vực cần chặt chẽ hơn nữa.

          Trong thời gian qua, TP.HCM đã tập trung vào việc phòng ngừa, đang áp dụng mô hình: Kỷ luật tích cực trong trường học, tác động 3 bên (giáo viên, phụ huynh, học sinh). Sau mô hình, nhiều giáo viên có thay đổi tích cực trong việc kỷ luật tích cực đối với học sinh. Dự kiến TP.HCM sẽ nhân rộng mô hình và chú trọng từ cấp giáo dục mầm non. Bên cạnh đó TP.HCM đang tập trung vào xây dựng mô hình nam giới tiên phong thúc đẩy bình đẳng giới và quyền trẻ em...

          Phát biểu kết thúc hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐ- TBXH Nguyễn Thị Hà nêu rõ: “Qua hội nghị lần này, tôi thấy có rất nhiều cái mới, các đại biểu đã tham luận các vấn đề liên quan từ trong nước ra cả ngoài nước. Vai trò của gia đình và các cấp chính quyền rất quan trọng, toàn dân làm giáo dục thì BLHĐ mới có thể giảm đến mức tối đa, để tính nhân văn, yêu thương, giúp đỡ bạn bè được phát huy mạnh mẽ trong học đường và xã hội. Tôi mong muốn các sở, ngành phối hợp với nhau thực hiện tốt đề án 161 và các vấn đề xã hội bức xúc. Các Sở LĐ- TBXH các tỉnh phải có chức năng, phải chủ động phối hợp với các sở ngành liên quan thực hiện tốt Chỉ thị 18 của Thủ tướng Chính phủ, cùng nhau bảo vệ trẻ em, không để xảy ra BLHĐ”.

Nguồn: molisa.gov.vn