Skip to main content
Ban biên tập | 22 May 2019

          Ngày 10/4/2019, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp cùng Hội đồng Lý luận Trung ương và Ngân hàng Thế giới tổ chức Hội thảo quốc gia về định hướng chiến lược phát triển và hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2021 – 2030.


Toàn cảnh Hội thảo

          Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết, trong hơn 30 năm thực hiện Đổi mới để phát triển đất nước, an sinh xã hội luôn được Đảng và Nhà nước Việt Nam quan tâm nhằm góp phần phát triển con người, thúc đẩy công bằng và tiến bộ xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho mọi người dân.

          Hệ thống pháp luật và chính sách an sinh xã hội luôn được bổ sung và hoàn thiện để phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ. Nhờ vậy, diện thụ hưởng chính sách được mở rộng; mức hỗ trợ được nâng lên, nguồn lực đầu tư cho an sinh xã hội ngày càng lớn và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong đảm bảo an sinh xã hội, được Liên Hiệp Quốc công nhận là một trong các quốc gia đi đầu trong việc thực hiện một số mục tiêu Thiên niên kỷ, nổi bật là giảm nghèo, tạo việc làm, giáo dục – đào tạo, chăm sóc sức khỏe và trợ giúp người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

          Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác an sinh xã hội toàn dân vẫn còn nhiều thách thức, một số yếu kém kéo dài, chậm được khắc phục. Đó là tỷ lệ thất nghiệp thấp nhưng tỷ lệ lao động có việc làm không bền vững còn cao. Số lao động làm việc trong khu vực nông nghiệp còn lớn, chiếm 60% lực lượng lao động có việc làm. Việt Nam giảm nghèo nhanh nhưng chưa bền vững. Những năm gần đây, tỷ lệ tái nghèo bình quân ở mức 5,1%, tỷ lệ hộ nghèo phát sinh bằng 23% so với tổng số hộ thoát nghèo. Tỷ lệ người tham gia bảo hiểm còn thấp. Đến nay mới có 30% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH.... Trong số 11 triệu người cao tuổi, mới có khoảng 5,3 triệu người có chế độ hưu trí, trợ cấp BHXH, hoặc được hưởng tiền mặt hàng tháng. Mức trợ cấp tiền mặt hàng tháng cho người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn còn khiêm tốn, chưa đủ để hỗ trợ người thụ hưởng đảm bảo mức sống tối thiểu. Dù mức chuẩn trợ cấp đã nhiều lần được điều chỉnh nhưng đến nay mới ở mức 270.000 đồng/tháng. Chất lượng một số dịch vụ xã hội thiết yếu chưa đáp ứng các yêu cầu phát triển…

          Ông Achim Fock, Quyền Tổng Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, hiện tại Việt Nam đang chịu tác động đáng kể của biến đổi khí hậu và những tác động này sẽ còn nghiêm trọng hơn nữa trong một vài thập kỷ sắp tới, làm cho các gia đình và toàn bộ nền kinh tế bị đe dọa bởi nhiều rủi ro hơn. Khoảng 60% diện tích và 70% dân số Việt Nam bị đe dọa bởi nhiều loại thiên tai khác nhau. Trong khi đó, hệ thống an sinh xã hội hiện chưa được thiết kế đủ tốt để sẵn sàng thích ứng và ứng phó tốt hơn những gì mà các chương trình cứu trợ truyền thống có thể làm. “Các công nghệ mang tính đột phá sẽ góp phần đáng kể vào xây dựng một hệ thống an sinh xã hội gắn kết hơn, hiệu quả hơn. Việt Nam đã bắt đầu ứng dụng công nghệ vào vận hành hệ thống an sinh xã hội. Tuy nhiên, tiềm năng tiếp tục hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ và vận hành hệ thống còn rất lớn. Ngân hàng Thế giới cam kết sẽ hỗ trợ Chính phủ thực hiện sáng kiến trong Chiến lược an sinh xã hội giai đoạn 2021 – 2030” .

          Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, để khắc phục những hạn chế và yếm kém trên, và có một định hướng chiến lược ASXH thích ứng với xu hướng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu đang tác động mạnh mẽ, với nhiều rủi ro truyền thống và phi truyền thống, đòi hỏi chúng ta phải có tư duy mới và đột phá mới.

          Trong bối cảnh xu hướng già hóa dân số, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu đang tác động mạnh mẽ, nhiều rủi ro truyền thống và phi truyền thống mới xuất hiện đòi hỏi phải có tư duy mới, đột phá mới về an sinh xã hội. Hội thảo được tổ chức nhằm tập trung thảo luận vào 3 vấn đề cơ bản: Thành tựu trong đảm bảo an sinh xã hội ở Việt Nam, xu hướng quốc tế hiện nay, bài học cho Việt Nam; Nhận diện những vấn đề mới tác động lên an sinh xã hội, xóa nghèo ở mọi chiều cạnh và mọi nơi; Định hướng chiến lược cho an sinh xã hội đến năm 2030, những định hướng chiến lược tổng thể để phát triển hệ thống an sinh xã hội và các vấn đề cụ thể như cải cách dịch vụ công, an sinh xã hội thích ứng với thảm họa và rủi ro.

          Hội thảo cũng là hoạt động thiết thực phục vụ “Tổng kết 8 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, Khóa XII về đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước về một số chính sách xã hội” và “Xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Nguồn: molisa.gov.vn