Skip to main content
Ban biên tập | 7 May 2019

          Trong tháng 03/2019, Tổng hội Y học Việt Nam và BHXH Việt Nam ký kết quy chế phối hợp trong thực hiện chính sách, pháp luật BHYT. Để có góc nhìn sâu hơn về việc triển khai phối hợp giữa hai cơ quan trong thời gian tới, phóng viên Tạp chí BHXH có cuộc trao đổi với PGS. TS. Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam.

          Tổng hội Y học Việt Nam và BHXH Việt Nam vừa thực hiện ký quy chế phối hợp trong thực hiện chính sách, pháp luật BHYT. Đồng chí có thể cho biết, xuất phát từ lý do nào mà hai bên đi đến ký kết quy chế phối hợp ở thời điểm này?

          PGS. TS. Nguyễn Thị Xuyên: Một trong những dấu ấn lớn nhất về quá trình phối hợp giữa Tổng hội Y học Việt Nam và BHXH Việt Nam là vào năm 2016, thời điểm mà Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT đang trong quá trình triển khai với nhiều nội dung mới, nhất là quy định về thông tuyến khám, chữa bệnh tuyến huyện và bước đầu thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT theo hướng tính đúng, tính đủ. Những yếu tố này khiến công tác quản lý quỹ khám, chữa bệnh BHYT ngày một áp lực hơn; con số bội chi quỹ khám, chữa bệnh tại các địa phương ngày một lớn hơn. Trước thực tế này, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, BHXH Việt Nam và Tổng hội Y học Việt Nam phối hợp thực hiện nghiên cứu, khảo sát đánh giá thực trạng sử dụng quỹ khám, chữa bệnh tại 04 tỉnh có tỷ lệ bội chi cao nhất, từ đó chỉ rõ ra nguyên nhân bội chi quỹ, đề xuất các giải pháp khắc phục, nâng cao chất lượng và bảo đảm quyền lợi BHYT cho người dân. Với sự tham gia của những chuyên gia, những bác sĩ hàng đầu, nhóm nghiên cứu của Tổng hội Y học Việt Nam đã góp phần chỉ ra được tình trạng chỉ định dịch vụ kỹ thuật, thuốc không hợp lý, quá mức cần thiết ở một số cơ sở khám, chữa bệnh được thực hiện khảo sát. Từ những nghiên cứu, đánh giá mang tính khoa học, khách quan và độc lập này, Chính phủ, các bộ, ngành đã thấy được thực tiễn của của công tác tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHYT một cách rõ nét hơn, nhất là những khó khăn, áp lực ngày càng gia tăng với công tác quản lý quỹ, khám, chữa bệnh BHYT.

          Tuy nhiên, việc nghiên cứu, khảo sát thực hiện trong năm 2016, nhìn chung chỉ trong một thời gian ngắn, số lượng các đơn vị khảo sát chưa đủ lớn, chưa đánh giá được sâu tình hình ở phạm vi rộng hơn.

          Từ những kinh nghiệm trên và trước những khó khăn ngày càng lớn với công tác quản lý Quỹ BHYT khi giá dịch vụ khám, chữa bệnh được điều chỉnh theo hướng tính đúng, đủ, gắn với với quá trình tự chủ của các cơ sở khám, chữa bệnh; Tổng hội Y học Việt Nam nhận thấy rất cần có sự tham gia của các cơ quan có chuyên môn, trong đó có Tổng hội Y học Việt Nam với những chuyên gia, bác sĩ hàng đầu trong lĩnh vực y khoa.

          Xuất phát từ những lý do trên, cần thiết phải có một quy chế giữa hai bên để có sự phối hợp chặt chẽ và thường xuyên nâng cao hiệu quả, đem lại thuận lợi nhiều mặt, từ xây dựng chính sách, pháp luật, cho đến công tác tổ chức thực hiện, nhất là bảo đảm quyền lợi BHYT cho người dân và tính bền vững của Quỹ BHYT.

          Tổng hội Y học Việt Nam có những thuận lợi, thế mạnh nào để tham gia tích cực với công tác tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHYT, thưa đồng chí?

          PGS. TS. Nguyễn Thị Xuyên: Với vai trò là tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong lĩnh vực y học, qua hơn 60 năm truyền thống, Tổng hội Y học Việt Nam hiện quy tụ được đội ngũ các giáo sư, bác sĩ hàng đầu về y khoa từ 106 Hội y học, trong đó 49 hội y học chuyên khoa và 57 hội y học từ các tỉnh, thành phố. Chức năng chính của Tổng hội chủ yếu trong lĩnh vực truyền thông về y học, tư vấn, phản biện xã hội, nghiên cứu khoa học về lĩnh vực y khoa…

          Với lực lượng và nhất là chất lượng nhân lực hội viên như vậy, Tổng hội Y học Việt Nam có điều kiện thuận lợi và giữ vai trò độc lập, khách quan tham gia quá trình xây dựng, phản biện chính sách, pháp luật về y tế nói chung và BHYT nói riêng – một chính sách đã và đang đóng vai trò quan trọng, tạo nguồn lực tài chính phát triển y tế bền vững, là nền tảng để thực hiện bao phủ y tế toàn dân.

          Trong năm 2018, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng đã có ý kiến chỉ đạo Tổng hội Y học Việt Nam thực hiện thành lập Hội đồng chuyên gia đánh giá việc quản lý, sử dụng, từ đó kiến nghị, đề xuất các giải pháp để quản lý và sử dụng có hiệu quả Quỹ BHYT. Bộ Y tế và BHXH Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Hội để thực hiện việc này. Như vậy, việc tham gia xây dựng, phản biện chính sách cũng như phát huy vai trò trong công tác tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHYT là một trong những trách nhiệm của Tổng hội Y học Việt Nam.

          Trở lại với việc Tổng hội Y học Việt Nam ký quy chế phối hợp với BHXH Việt Nam, đồng chí có thể cho biết, đâu là nội dung sẽ được hai bên chú trọng thực hiện trong thời gian tới; sẽ có những thuận lợi, khó khăn như thế nào, thưa đồng chí?

          PGS. TS. Nguyễn Thị Xuyên: Về cơ bản, sự phối hợp giữa Tổng hội Y học Việt Nam và BHXH Việt Nam sẽ tập trung vào các nội dung như: Truyền thông chính sách, pháp luật BHYT; Đánh giá tình hình thực hiện, và đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách liên quan đến khám, chữa bệnh BHYT như: Đánh giá tính hợp lý của chỉ định, điều trị đối với một số dịch vụ kỹ thuật, thuốc, vật tư y tế có tần suất sử dụng cao, chi phí lớn để báo cáo và đề xuất các biện pháp điều chỉnh; Đánh giá, giám sát tình hình quản lý, sử dụng quỹ khám, chữa bệnh BHYT hàng năm và kiến nghị đề xuất giải pháp quản lý và sử dụng hiệu quả Quỹ BHYT; Đề xuất sửa đổi, bổ sung hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đối với một số bệnh hoặc quy trình kỹ thuật theo đề nghị của các Hội chuyên khoa và khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới; Đào tạo, cập nhất kiến thức y, dược, kinh tế y tế và chính sách pháp luật về BHYT cho cán bộ BHXH Việt Nam, công chức, viên chức của ngành y tế và hội viên của Tổng hội Y học Việt Nam; Thành lập Hội đồng chuyên gia độc lập cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh để đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT theo đề nghị của cơ quan BHXH hoặc cơ sở khám, chữa bệnh.

          Mỗi nội dung công tác đều có vai trò quan trọng ở các mức độ khác nhau và đều được xây dựng nhằm tới mục tiêu giải quyết các vấn đề trước mắt cũng như dài hạn. Xét về bối cảnh hiện nay, việc thành lập Hội đồng chuyên gia độc lập cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh, đánh giá việc sử dụng định mức kinh tế kỹ thuật trong giá dịch vụ y tế; đánh giá tính hợp lý của chỉ định, điều trị đối với một số dịch vụ kỹ thuật, thuốc có tần suất sử dụng cao, chi phí lớn… tháo gỡ khó khăn vướng mắc giữa cơ quan BHXH và cơ sở khám, chữa bệnh sẽ có tác động tích cực và trực tiếp đến công tác giám định, thanh toán khám, chữa bệnh BHYT. Thực tiễn thời gian qua, tại hầu hết các tỉnh, thành phố cho thấy nhiều khó khăn, chưa có sự thống nhất về mặt chuyên môn giữa cơ quan BHXH và cơ sở khám, chữa bệnh trong chỉ định dịch vụ, thuốc khám, chữa bệnh BHYT. Với vai trò độc lập, Hội đồng của Tổng hội Y học sẽ đưa ra tiếng nói khách quan, đảm bảo tính chặt chẽ về mặt khoa học chuyên môn, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý quỹ khám, chữa bệnh BHYT và ngăn ngừa trục lợi BHYT.

          Ngoài ra, sự tham gia của Tổng hội Y học trong công tác truyền thông, đánh giá tình hình, đề xuất các giải pháp trong quá trình tham gia phản biện, xây dựng chính sách, pháp luật cũng như tham gia việc đào tạo, tập huấn cho cán bộ cơ quan BHXH sẽ hướng tới các mục tiêu dài hạn, từng bước tạo thuận lợi, nâng cao hiệu quả quản lý quỹ khám, chữa bệnh BHYT.

          Quy chế phối hợp giữa hai đơn vị đã được ký kết, đó là nền tảng thuận lợi cơ bản, tuy nhiên để triển khai thực hiện các nội dung cần những kế hoạch cụ thể, chi tiết hơn. Các nội dung đều có những khó khăn, phức tạp nhất định, thực tế tại các địa phương cũng có thể phát sinh nhiều vấn đề. Tuy vậy, với sự cam kết, thống nhất chặt chẽ từ hai bên, tin tưởng rằng quá trình phối hợp sẽ đem lại hiệu quả, góp phần quan trọng tạo sự phát triển BHYT toàn dân bền vững./.

Nguồn: tapchibaohiemxahoi.gov.vn