Skip to main content
Ban biên tập | 15 March 2019

Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân và thực hiện BHYT toàn dân là một trong những nhiệm vụ được Chính phủ Việt Nam quan tâm hàng đầu, nhằm thực hiện mục tiêu an sinh xã hội công bằng và hiệu quả. Để xây dựng và thực hiện tốt các chính sách này, việc học hỏi kinh nghiệm thành công từ các nước là điều rất cần thiết...

Đây là nội dung được Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn nhấn mạnh tại Hội thảo “Chính sách BHYT trong mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân và ứng phó với già hóa dân số”, được Bộ Y tế, BHXH Việt Nam và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp tổ chức ngày 12/3, tại Hà Nội.

Theo Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn, để đạt được mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, thực hiện BHYT toàn dân và ứng phó với già hóa dân số, cần phải có các giải pháp đồng bộ, như: Tăng tỉ lệ dân số tham gia BHYT; thiết kế gói quyền lợi BHYT để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe, phù hợp với khả năng chi trả của quỹ BHYT; tăng cường chất lượng DVYT, đặc biệt là ở tuyến y tế cơ sở; thực hiện đổi mới phương thức thanh toán chi phí KCB BHYT, ứng dụng CNTT trong quản lý KCB và thanh toán BHYT; tăng cường năng lực trong việc xây dựng và ban hành văn bản chính sách BHYT…

Bên cạnh đó, hiện nay tại Việt Nam, với tốc độ già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng, cần đòi hỏi việc xây dựng các chính sách an sinh xã hội phù hợp. “Trong đó, chính sách chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi thông qua việc chính sách BHYT phải được thiết kế để ứng phó tốt với già hóa dân số”- Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn chỉ rõ.

Theo thống kê, Việt Nam đã thực hiện rất tốt mục tiêu bao phủ BHYT, với khoảng 83 triệu người tham gia BHYT, đạt tỉ lệ 88% trong năm 2018. Đồng thời, Chính phủ cũng đặt mục tiêu đến năm 2020 có trên 90% dân số có BHYT... Dẫn những số liệu này, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn khẳng định, đây là một trong những chính sách đang được Chính phủ rất quan tâm chỉ đạo thực hiện. 

Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn cũng cho biết thêm, Việt Nam không tránh khỏi xu thế già hóa dân số đang diễn ra trên toàn cầu. Hiện, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đang ở mức 76,6 tuổi. Trong thời gian qua, ngành BHXH đã cấp thẻ BHYT cho người cao tuổi và mang lại hiệu quả tích cực. Cụ thể, trong năm 2016 cấp được 8,8 triệu thẻ; năm 2017 cấp 9,8 triệu thẻ và năm 2018 cấp được trên 11 triệu thẻ; tỉ lệ người cao tuổi/tổng số người tham gia BHYT chiếm khoảng 11%.

“Vì vậy, việc phối hợp với Nhật Bản- một quốc gia có trình độ phát triển kinh tế- xã hội cao, có chính sách an sinh xã hội ưu việt và chế độ chăm sóc người cao tuổi tốt, là cơ hội để Việt Nam học tập, nhằm xây dựng chính sách BHYT hướng tới xu hướng chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tốt hơn…”- Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn chia sẻ.

Hội thảo "Chính sách BHYT trong mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân và ứng phó với già hóa dân số" nằm trong khuôn khổ dự án "Xây dựng và tăng cường quản lý phương thức chi trả và gói dịch vụ BHYT, gói DVYT cơ bản do quỹ BHYT chi trả tại Việt Nam", do JICA tài trợ, được thực hiện bởi Bộ Y tế và BHXH Việt Nam. Thông qua hội thảo này giúp các bên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về lĩnh vực BHYT giữa 2 nước Việt Nam, Nhật Bản và bài học kinh nghiệm trong thực hiện chính sách BHYT của Việt Nam. Từ đó, giúp Bộ Y tế và BHXH Việt Nam nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách BHYT và sớm đạt được mục tiêu bao phủ, chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Phát biểu tại hội thảo, bà Nozomi Iwama- Phó Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam cho biết, JICA sẽ cố gắng hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản để Việt Nam có thể tăng cường xây dựng chính sách, nhằm cải thiện hệ thống BHYT của mình; đồng thời đưa ra lộ trình phù hợp để đạt được mục tiêu BHYT toàn dân. Qua đó, giúp người dân an tâm hưởng các DVYT, với mục tiêu đến năm 2020 đạt tỉ lệ bao phủ BHYT ở mức trên 95%.

Nhân dịp này, các chuyên gia đến từ Học viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Ngân hàng Thế giới (WB) đã trình bày, chia sẻ và thảo luận nhiều đề tài chuyên sâu về kinh nghiệm xây dựng, thực hiện chính sách BHYT trong mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân và ứng phó với già hóa dân số. Đơn cử như: Tổng quan hệ thống BHYT- Kinh nghiệm triển khai bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân của Nhật Bản; Hệ thống DVYT và phúc lợi cho người cao tuổi của Nhật Bản; Chiến lược tài chính y tế- chính sách y tế và chính sách BHYT; Phương thức chi trả- Công cụ quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT; Bài học của Nhật Bản và khuyến nghị chính sách với Việt Nam.

Nguồn: baobaohiemxahoi.gov.vn