Skip to main content
Ban biên tập | 19 February 2019

          2018 là năm BHYT tiếp tục có bước tiến vững chắc với tỷ lệ bao phủ đạt 88,5% dân số, quyền lợi của người tham gia được mở rộng và bảo đảm. Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn, những thành công của việc thực hiện chính sách BHYT trong năm 2018 đã khẳng định vai trò của BHYT trong đời sống xã hội và nhận thức của Nhân dân...

bhxh

Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn

          PV: Trước hết, xin Phó Tổng Giám đốc (PTGĐ) cho biết những kết quả quan trọng trong thực hiện chính sách BHYT năm 2018 vừa qua?

          PTGĐ Phạm Lương Sơn:

          Năm 2018, chính sách BHYT được tổ chức triển khai thực hiện với nhiều điểm mới như quy định về giá dịch vụ y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc, nhóm đối tượng tham gia BHYT, quyền lợi của người tham gia BHYT,… Cùng với đó là việc đồng bộ danh mục kỹ thuật với giá dịch vụ y tế mới và đẩy mạnh thực hiện tin học hóa trong KCB và thanh toán BHYT; Mở rộng diện bao phủ, phát triển BHYT theo chỉ tiêu của Chính phủ giao.

          BHXH Việt Nam tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế trong việc xây dựng hệ thống văn bản dưới Luật, tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện các quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. Triển khai kịp thời các quy định mới đảm bảo quyền lợi và tạo thuận lợi tốt nhất cho người có thẻ BHYT khi KCB. Phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị có liên quan thực hiện việc tin học hóa công tác khám chữa bệnh BHYT nói chung, giám định và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT nói riêng, trong đó tập trung hoàn thiện việc chuẩn hóa danh mục, kết nối liên thông dữ liệu với các cơ sở KCB và tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ giám định trên toàn quốc;...

          Một trong những kết quả nổi bật nhất trong thực hiện chính sách BHYT năm qua là chúng ta tiếp tục đạt được sự tăng trưởng về số đối tượng tham gia. Đến hết tháng 12/2018, tỷ lệ bao phủ BHYT đã đạt 88,5% dân số với trên 83,5 triệu người tham gia BHYT, vượt 3,3% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao. Quan trọng hơn là việc bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHYT luôn được thực hiện tốt. Bằng việc ký hợp đồng với các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trong cả nước từ Trung ương đến địa phương, đã góp phần bảo đảm tốt việc khám, chữa bệnh cho người có thẻ BHYT;chỉ trong năm 2018, Ngành đã thực hiện chi khám chữa bệnh BHYT cho trên 177,6 triệu lượt người với kinh phí 99.864 tỷ đồng. Hàng ngàn người được quỹ chi trả chi phí khám, chữa bệnh lên tới hàng trăm triệu đồng, đặc biệt, có những bệnh nhân được quỹ chi trả với số tiền lên tới hàng tỷ đồng.

          PV: Thưa PTGĐ, năm 2018 là năm quy định về giá dịch vụ y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc có nhiều thay đổi, tác động tới quỹ BHYT. Xin PTGĐ cho biết về các giải pháp quản lý hiệu quả sử dụng chi phí BHYT của Ngành trong năm vừa qua?

          PTGĐ Phạm Lương Sơn:

          Năm 2018, Ngành BHXH đã phối hợp chặt chẽ với Ngành Y tế thực hiện tốt chính sách BHYT, kịp thời sửa đổi, bổ sung và triển khai các văn bản, quy định hướng dẫn thực hiện Luật BHYT như: Quy định thông tuyến khám chữa bệnh BHYT; xây dựng và hướng dẫn thực hiện gói dịch vụ y tế cơ bản do quỹ BHYT chi trả tại y tế cơ sở; danh mục, tỷ lệ điều kiện thanh toán vật tư y tế; sửa đổi, bổ sung chuẩn dữ liệu KCB BHYT; tiếp tục nghiên cứu sửa đổi quy trình, phương pháp giám định, từng bước minh bạch, công khai các hoạt động khám chữa bệnh BHYT; phối hợp kiểm soát các chi phí bất hợp lý tại các cơ sở khám chữa bệnh BHYT theo cảnh báo từ hệ thống giám định điện tử; xây dựng các văn bản hướng dẫn giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT…

          BHXH Việt Nam kịp thời hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố thực hiện giao dự toán chi KCB BHYT năm 2018 ngay sau khi có Quyết định giao dự toán của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố chủ động báo cáo, tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương về tình hình quản lý thực hiện BHYT để phối hợp, hạn chế, khắc phục việc lạm dụng quỹ khám, chữa bệnh BHYT.

          Đồng thời, đẩy mạnh việc kết nối liên thông dữ liệu với cơ sở khám chữa bệnh; hoàn thiện các quy tắc giám định trên Hệ thống thông tin Giám định BHYT; thực hiện giám định theo các chuyên đề đã được cảnh báo trên Hệ thống giám sát; phân tích đánh giá, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm, lạm dụng, trục lợi quỹ khám, chữa bệnh BHYT; bảo đảm quyền lợi và tạo thuận lợi cho người tham gia BHYT; kiên quyết yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh phải kịp thời chuyển dữ liệu khám chữa bệnh về Cổng thông tin giám định.

          Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm, lạm dụng, trục lợi quỹ khám, chữa bệnh BHYT, bảo đảm quyền lợi và tạo thuận lợi cho người tham gia BHYT.

          PV: Năm 2018, công tác quản lý thuốc và vật tư y tế đã được BHXH Việt Nam tiếp tục triển khai như thế nào thưa PTGĐ?

          PTGĐ Phạm Lương Sơn:

          Trong khám chữa bệnh BHYT, tổng chi cho thuốc từ Quỹ khám chữa bệnh BHYT là rất lớn. Để nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ khám, chữa bệnh BHYT, với mục tiêu lựa chọn thuốc có chất lượng tốt, giá thành hợp lý và đáp ứng yêu cầu điều trị cho người bệnh BHYT, năm 2018, BHXH Việt Nam tiếp tục có nhiều biện pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý dược và vật tư y tế trong khám chữa bệnh BHYT.

          BHXH Việt Nam chủ động phối hợp với Bộ Y tế xây dựng bổ sung, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản hướng dẫn về đấu thầu mua sắm, quản lý, sử dụng và thanh toán chí phí thuốc, vật tư y tế; đặc biệt, đã tích cực tham gia sửa đổi Thông tư ban hành danh mục thuốc tân dược thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT, đề nghị loại bỏ khỏi danh mục 202 thuốc có hiệu quả điều trị không rõ ràng; giảm tỷ lệ thanh toán, bổ sung điều kiện sử dụng đối với 33 loại thuốc...

          Đồng thời, tham gia tích cực, hiệu quả vào quá trình lựa chọn nhà thầu gói thầu mua thuốc kháng HIV, 10 gói thầu mua thuốc tập trung quốc gia năm 2018 tại Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia (Bộ Y tế); thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu thuốc tại các cơ sở y tế thuộc Bộ, ngành. Qua đó, đã tiết kiệm so với kế hoạch lựa chọn nhà thầu năm trước hàng trăm tỷ đồng. Trong năm 2018, BHXH Việt Nam đã tham gia rất hiệu quả vào Hội đồng đàm phán giá thuốc đối với một số biệt dược gốc, kết quả đàm phán đã giảm đáng kể giá thuốc so với giá kế hoạch. Ước tính sơ bộ, so với số lượng sử dụng và giá hiện tại đã tiết kiệm được khoảng 550 tỷ đồng sau khi đàm phán.

          Bên cạnh việc tham gia đấu thầu thuốc tập trung cấp quốc gia, BHXH Việt Nam tích cực tham gia cùng Bộ Y tế thực hiện thí điểm đấu thầu một số VTYT sử dụng cho các bệnh viện tuyến trung ương theo chỉ đạo của Chính phủ.

          Phát huy kết quả đạt được trong đấu thầu tập trung cấp quốc gia do BHXH Việt Nam thực hiện vào cuối năm 2017, năm 2018 BHXH Việt Nam thí điểm tổ chức đấu thầu 26 thuốc của 14 hoạt chất, cho đến thời điểm này, công tác đấu thầu đã đạt mục tiêu đặt ra.Quá trình đấu thầu thuốc đã được BHXH Việt Nam tổ chức công khai, minh bạch, đảm bảo đúng các quy định của pháp luật, cạnh tranh công bằng và lựa chọn được các mặt hàng có chất lượng, giá hợp lý.

          PV: Năm vừa qua, BHXH Việt Nam đã tiếp tục đẩy mạnh công tác triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giám định BHYT. Xin PTGĐ cho biết vài nét về công tác này?

          PTGĐ Phạm Lương Sơn:

          Năm 2018, BHXH Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực nghiệp vụ. Trong lĩnh vực BHYT, cũng tiếp tục tạo được những đột phá quan trọng.

          Ngành BHXH đã xây dựng được cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, trong khi cơ sở dữ liệu về dân cư nói chung chưa có. Hiện, cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm đang quản lý thông tin của hơn 94 triệu người dân với 06 thông tin cơ bản, trong đó có 82 triệu hồ sơ của người tham gia BHYT.

          Ngành thực hiện việc đẩy mạnh việc kết nối liên thông dữ liệu với 12.675 cơ sở KCB BHYT từ tuyến xã đến tuyến Trung ương trên toàn quốc. Các trạm y tế xã không có kết nối internet thực hiện việc liên thông qua đơn vị ký hợp đồng KCB BHYT. Tỷ lệ liên thông dữ liệu đạt 98,02% (tăng 15,17%), dữ liệu điện tử gửi đúng ngày đạt 62,4% (tăng 26,3%) so với năm trước (riêng tháng 12/2018 đạt 82,06%).

          Với những hiệu quả nổi bật, Hệ thống thông tin giám định BHYT đã được Hiệp hội An sinh xã hội ASEAN và Hiệp hội An sinh xã hội quốc tế ISSA trao Giải thưởng ASXH khu vực và vinh danh những quốc gia có thành tựu nổi bật. Đây là sự ghi nhận thành tựu của BHXH Việt Nam trong ứng dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý chi phí KCB BHYT./.

Nguồn: baohiemxahoi.gov.vn