Skip to main content
Ban biên tập | 19 February 2019

          Những năm gần đây, tình trạng vi phạm pháp luật BHXH, BHYT, BHTN có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của người lao động… Trước thực trạng này, năm 2019 dự kiến các bộ, ngành sẽ có nhiều hoạt động giám sát, kiên quyết xử lý nghiêm tình trạng vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT.

          Báo cáo của BHXH Việt Nam cho thấy, qua quá trình thanh kiểm tra năm 2018, Ngành BHXH đã phát hiện 44.460 lao động thuộc đối tượng phải tham gia BHXH, BHYT, BHTN nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian, 47.393 lao động đóng thiếu mức quy định, thu được 1.907 tỷ đồng tiền nợ đóng của các đơn vị trong và sau thanh kiểm tra, yêu cầu thu hồi về quỹ BHYT số tiền 158,9 tỷ đồng chi phí khám chữa bệnh BHYT không đúng quy định.

          Ngoài ra, BHXH Việt Nam phối hợp với Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT tại gần 40 tỉnh, thành phố, qua đó đã phát hiện nhiều nội dung thanh toán sai quy định, kiến nghị thu hồi về Quỹ BHYT hàng trăm tỷ đồng.

          Đứng trước thực trạng trên, năm 2019, các bộ, ngành đã sớm có kế hoạch phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát kịp thời phát hiện, xử lý nghiệm tình trạng vi phạm pháp luật BHXH, BHYT. Theo kế hoạch thanh tra năm 2019 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), trong năm 2019, bộ sẽ thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN tại các Sở LĐ-TB&XH, cơ quan BHXH, doanh nghiệp tại địa phương tại 10 tỉnh, thành phố là (Cà Mau, Đồng Tháp, Lào Cai, Nghệ An, Phú Thọ, Trà Vinh, Hải Dương, Quảng Nam, Phú Yên và Cần Thơ).

          Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với BHXH Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh thanh tra chuyên ngành lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN, nhất là tại các đơn vị có nhiều vi phạm quy định của pháp luật về đóng BHXH, BHTN; căn cứ vào tình hình và điều kiện thực tế của từng địa phương, sẽ tập trung thanh tra các lĩnh vực đang “nóng”, được dư luận xã hội quan tâm.

          Năm 2019, Bộ Tư pháp lên kế hoạch trọng tâm theo dõi tình hình thi hành pháp luật BHXH, BHYT, BHTN. Cụ thể, trong quý III-2019 cơ quan này sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ LĐ-TB&XH, Văn phòng Chính phủ, BHXH Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam… tiếp nhận, thu thập thông tin từ dư luận, các phương tiện thông tin đại chúng; kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của các cơ quan, tổ chức, cá nhân… để làm cơ sở điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động.

          Đến quý IV, kiểm tra tình hình chung về việc thi hành chính sách pháp luật cho người lao động tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Lâm Đồng, Khánh Hòa và kiểm tra đột xuất một số địa phương khác. Qua đó, kịp thời phát hiện những tồn tại, vướng mắc, bất cập và đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực này cho người lao động.

          Dưới góc độ cơ quan thực hiện, theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh, năm 2019, Ngành BHXH tiếp tục triển khai quyết liệt, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, thanh tra đột xuất, đặc biệt là tại các đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT; kịp thời xử lý và kiến nghị xử lý các hành vi phạm pháp luật BHXH, BHYT, BHTN. Đồng thời, BHXH Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành tăng cường xử lý tình trạng vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT. Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam đang triển khai xây dựng phần mềm về quản lý nợ đọng. Phần mềm này sẽ tự động trích xuất kết quả nợ và mẫu xử phạt với đơn vị sử dụng lao động trên toàn hệ thống để BHXH các tỉnh, thành phố tiến hành xử lý vi phạm hành chính; sau xử phạt, đơn vị sử dụng lao động không chấp hành quyết định xử phạt, phần mềm sẽ trích xuất hồ sơ để chuyển cơ quan Công an xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.

          Tại các địa phương cấp ủy, chính quyền đã tích cực chỉ đạo, tăng cường hơn nữa các biện pháp nhằm xử lý nghiệm tình trạng vi phạm pháp luật BHXH, BHYT. Hà Nội hiện vẫn là một trong những địa phương có tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH vào mức cao của cả nước. Trước thực trạng trên, UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Văn bản số 503/UBND-KGVX tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn thành phố trong năm 2019.

          Theo đó, UBND Thành phố Hà Nội yêu cầu các Sở, ban, ngành liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp, quyết liệt thu nợ BHXH, BHYT, BHTN để giảm tỷ lệ nợ xuống dưới 2%. Tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp kiểm soát chi phí khám chữa bệnh BHYT, quản lý sử dụng quỹ BHYT hiệu quả…/.

Nguồn: tapchibaohiemxahoi.gov.vn