Skip to main content
Ban biên tập | 18 February 2019

Sau một thời gian hoạt động, mô hình hỗ trợ phục hồi và tái hòa nhập dựa vào cộng đồng thông qua Nhóm tiết kiệm và sở thích chăn nuôi tại huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên đang được địa phương ủng hộ và muốn nhân rộng, các thành viên tham gia tích cực và có những thay đổi từ phía nạn nhân.

Giai đoạn 2018-2019, Tổ chức Tầm nhìn Thế giới triển khai Dự án phòng chống mua bán người tại huyện Tủa Chùa (dự án) với số vốn 100.000 USD nhằm giải cứu thanh thiếu niên khỏi nạn mua bán người, bóc lột và thúc đẩy hệ thống bảo vệ trẻ em của địa phương và ở tỉnh Điện Biên. 

Dựa trên hoàn cảnh thực tế của các nạn nhân khi trở về gặp khó khăn trong tiếp cận với các hỗ trợ tại cộng đồng, không có nguồn kinh tế ổn định, trên cơ sở xác định nhu cầu người dân, cùng với Ban Bảo vệ trẻ em các xã và Liên hiệp Phụ nữ huyện, xã, Dự án đã làm việc ở 3 thôn trên địa bàn huyện để thành lập 4 Nhóm tiết kiệm do cộng đồng làm chủ và mô hình tái hòa nhập và phục hồi dựa vào cộng đồng cho 65 thành viên ở 3 thôn có nạn nhân mua bán người. Các thành viên (bao gồm cả nạn nhân) được trao đổi, xây dựng, thống nhất về quy chế, bầu chọn hộ theo tiêu chí từ khó khăn nhất để nhận hỗ trợ bò cái sinh sản phát triển kinh tế hộ với hình thức xoay vòng và đối ứng 5%/hộ nhận bò. 

Dự án đã hỗ trợ 12 con bò cái và vật liệu, hướng dẫn kỹ thuật làm chuồng bò cho 24 hộ được lựa chọn. Dự án đang tiến hành các hoạt động về hướng dẫn kỹ năng phòng bệnh, tập huấn kiến thức chăn nuôi và kinh tế hộ gia đình, lồng ghép quản lý ca, các kiến thức về phòng chống mua bán người và các kỹ năng chăm sóc trẻ, kỹ năng sống khác.  

  Dự án cũng hỗ trợ một nạn nhân ở huyện Điện Biên Đông từ Lào Cai về địa phương làm hồ sơ để đi học nghề theo chương trình tái hòa nhập thông qua Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh Điện Biên.

Sau một thời gian hoạt động, mô hình hỗ trợ phục hồi và tái hòa nhập dựa vào cộng đồng thông qua Nhóm tiết kiệm và sở thích chăn nuôi đang được địa phương ủng hộ và muốn nhân rộng, các thành viên tham gia tích cực và có những thay đổi phía nạn nhân.

Chị Sùng Thị S, sinh năm 2001, thôn Tà Là Cáo, Sính Phình, Tủa Chùa là một trong những nạn nhân bị mua bán trở về đang được dự án hỗ trợ. Tin lời rủ rê của một người bạn quen qua Zalo mới nói chuyện được 4 ngày, S và một người bạn cùng thôn tên C cho rằng, đến Lào Cai là sẽ lấy được một người chồng công an, đẹp trai, ở nhà cao tầng, được sung sướng, ăn ngon mặc đẹp. Người đàn ông quen qua Zalo còn gọi điện cho gia đình C bảo sẽ lấy làm vợ và sẽ gửi tiền về cho gia đình nên 14h cùng ngày, S và C đã bắt xe khách đi Điện Biên. Từ Điện Biên, sau khi uống hết chai nước mà một người lái taxi đợi sẵn đưa cho, S và C đã bị rơi vào tay bọn buôn người cùng với 6 người nữa. C may mắn trốn thoát, còn S bị bán làm vợ cho một người đàn ông Trung Quốc. Trong thời gian ở Trung Quốc, gia đình chồng S không cho S đi đâu, bảo nếu đi ra chợ hoặc bỏ trốn, họ sẽ giết chết và bán đi một nơi tiếp theo thật xa. S sợ nên phải ở làm dâu trong gia đình đó được 4 tháng. Đến tháng thứ 4, S cùng chồng đi chợ. Khi đi đến chợ, S nói với chồng là đi xem giầy bên kia, rồi trốn đi tìm công an Trung Quốc. Công an Trung Quốc đã liên lạc với công an Việt Nam và liên hệ người nhà đã ra đón được S trở về nhà.

Sau khi trở về, trong gần 1 năm, S không giao tiếp, không ra khỏi nhà. Bố của S uống rượu nhiều và thường xuyên đánh đập S và mẹ. Cộng tác viên của thôn sau khi được tập huấn của Dự án đã đến thăm, vận động S và gia đình tham gia vào mô hình tái hòa nhập cộng đồng. S cùng 3 thành viên khác được nhận hỗ trợ vật liệu và hướng dẫn làm chuồng bò, nhận bò giống và các hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi bò. S đã tham gia sinh hoạt và đóng tiết kiệm đều đặn hàng tháng, vẫn còn ngồi chung với mẹ ở các cuộc họp nhưng đã phản ứng khi được hỏi. Bố của S được yêu cầu hứa về việc không được uống rượu say và đánh đập vợ con. Hiện tại, các cam kết được bố S thực hiện đúng.

Hỗ trợ thành viên cộng đồng giúp nhau phát triển

Chia sẻ kinh nghiệm triển khai dự án, theo Tổ chức Tầm nhìn thế giới, trước hết, cần rà soát và cập nhật thông tin nạn nhân tại cộng đồng thông qua Ban Bảo vệ trẻ em và Ban Quản lý dự án xã hàng tháng. Ngay khi có thông tin, cán bộ Bảo vệ trẻ em xã và nhân viên Chương trình sẽ đến thăm, tìm hiểu thông tin, viết báo cáo và đề xuất phương án hỗ trợ. Ban Quản lý dự án xã cũng cập nhật các hoạt động và nguồn lực hiện có tại thôn, các hỗ trợ cho nạn nhân để tránh bị trùng lặp.

Các buổi họp thôn/nhóm với sự tham gia của xã, thôn được tiến hành. Thành viên tích cực ở các xã được mời để chia sẻ. Nhóm không giới hạn thành viên tham gia đóng tiết kiệm nhưng nhóm nhận hỗ trợ bò chỉ gồm tám hộ theo tiêu chí: Nạn nhân, người di cư nước ngoài trở về, phụ nữ đơn thân nuôi con, gia đình khó khăn nhất. Các thành viên được thảo luận về quy chế, ký tên và có xác nhận của xã để đảm bảo tính bền vững của nhóm.

Mỗi nhóm được cấp 4 con bò, 2 hộ/1 con theo hình thức xoay vòng, ưu tiên nạn nhân và hộ khó khăn nhất nhận trước. Các hộ đối ứng 5% (10% tổng giá trị bò cho cả 2 hộ) để tăng tính cam kết và tránh các mâu thuẫn lợi ích trong cộng đồng cũng như mong đợi tăng lượng bò hỗ trợ trong toàn dự án. Các đại diện nhóm được tham gia đi chọn bò cùng với phòng nông nghiệp, thú y, lãnh đạo xã, huyện. Lễ bàn giao bò được thực hiện trang trọng tại địa điểm công cộng với sự chứng kiến của nhiều người để tăng tính trách nhiệm của người nuôi bò. Dựa vào khảo sát nhu cầu và tình trạng chuồng trại, các hộ được nhận bò được hỗ trợ vật liệu làm chuồng với sự hướng dẫn của Trạm Thú y huyện.

Mỗi con bò cái giống (mua chung theo gói của Dự án Phát triển kinh tế chỉ bằng 70% giá thị trường) theo ước tính sẽ cho xoay vòng khoảng 3 con/hộ, phát triển tốt sẽ tăng thu nhập trung bình hơn 60 triệu đồng/hộ, hơn thu nhập bình quân hiện có của hộ.

Hiện tại, các nhóm sinh hoạt đều đặn hàng tháng theo chủ đề. Mỗi tháng, ngoài đóng tiết kiệm, các nhóm được hướng dẫn kỹ năng chăn nuôi và chăm sóc bò, vật nuôi theo mùa; kiến thức phòng chống mua bán người và hướng dẫn quản lý tài chính, lên kế hoạch di cư và phòng chống mua bán người.

Tất cả các hoạt động đều được thảo luận với thành viên Ban Bảo vệ trẻ em và Hội Liên hiệp phụ nữ huyện, ghi chép và lưu trữ tại thôn, xã, chương trình, theo dõi sự tham gia và thay đổi của nạn nhân cũng như thái độ và cách ứng xử của các thành viên trong cộng đồng. 

Mong đợi của dự án là thông qua phát triển kinh tế, cộng đồng biết cách tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau, giảm kỳ thị cộng đồng, tăng sự tham gia của nạn nhân trong các công việc chung, cải thiện kỹ năng giao tiếp, phát triển kinh tế để tránh tái bị bán. 

Ngoài ra, thông qua nhóm, các thay đổi trong sinh hoạt, kinh tế, chăm sóc con cái…và các biến động khác của nạn nhân được báo cáo kịp thời. Sự tham gia của xã cũng giúp các hỗ trợ theo chính sách nhà nước được nhanh chóng và hiệu quả.

Tầm nhìn Thế giới có mặt ở Việt Nam từ năm 1988 với các hoạt động cứu trợ khẩn cấp, sau đó chính thức mở văn phòng đại diện ở Hà Nội vào năm 1990. Từ năm 1990, Tầm nhìn Thế giới đã phối hợp với Chính phủ và người dân Việt Nam, cùng các tổ chức phi chính phủ quốc tế khác trong việc thực hiện các chương trình cứu trợ, phát triển và vận động chính sách ở các cộng đồng còn đang gặp nhiều khó khăn. Các chương trình phát triển dài hạn của Tầm nhìn Thế giới đang được triển khai tại 37 huyện của 14 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Từ tháng 10/2017, Chương trình kỹ thuật bảo vệ trẻ em của Tầm Nhìn Thế Giới được triển khai thực hiện ở 37 chương trình vùng ở 14 tỉnh, thành phố trên cả nước để tăng cường bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm hại, bạo lực, bóc lột, và tai nạn thương tích.

 

Nguồn: tiengchuong.vn