Skip to main content

Nỗ lực vì sự hòa nhập cộng đồng của người khuyết tật

          Bằng những việc làm thiết thực, ý nghĩa, trong những năm qua, Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em (BTNKT&BVQTE) tỉnh đã kêu gọi các cơ quan, đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm dành sự quan tâm, chăm lo cho người khuyết tật và trẻ mồ côi (NKT&TMC) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đây là hoạt động có ý nghĩa, giúp các đối tượng vơi bớt khó khăn vươn lên trong cuộc sống.


Đồng chí Nguyễn Long Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng nhà tài trợ trao xe lăn

cho NKT trên địa bàn thành phố Lạng Sơn

          Bà Lương Thị Mỹ An, Chủ tịch Hội BTNKT&BVQTE tỉnh, cho biết: Toàn tỉnh hiện có trên 10.000 người khuyết tật (NKT), đa số họ đều có hoàn cảnh khó khăn, sống ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Để chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho NKT, Hội BTNKT& BVQTE tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực vì mục tiêu bảo đảm các quyền của NKT, trợ giúp NKT hòa nhập cộng đồng. Đơn cử như trong năm 2018, hội đã làm cầu nối để các cơ quan, ban ngành, các tổ chức, nhà hảo tâm trực tiếp đến trao tiền và hiện vật cho NKT có hoàn cảnh khó khăn với tổng trị giá trên 5,2 tỷ đồng.

          Theo đó, hội đã phối hợp với các tổ chức thiện nguyện trao tổng cộng 666 chiếc xe lăn và 60 chiếc xe lắc, với tổng trị giá đạt gần 1,7 tỷ đồng; trao 140 chiếc xe đạp và 360 suất quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại 2 huyện Hữu Lũng và Văn Lãng, trị giá trên 360 triệu đồng… Tính riêng 3 tháng đầu năm 2019, hội đã trao trên 6.700 suất quà, với tổng trị giá trên 2,5 tỷ đồng.

          Cùng với đó, trong 3 tháng đầu năm 2019, hội còn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ 66 trẻ mồ côi (TMC) tại Trung tâm Hy vọng Lộc Bình và Mái ấm tình thương Vinh Sơn, huyện Tràng Định  đạt gần 200 triệu đồng.

          Em Lương Thị Hiệu, Trung tâm Hy vọng Lộc Bình cho biết: Cháu mồ côi cha mẹ, hoàn cảnh gia đình nghèo khó nên được trung tâm đưa về chăm sóc, nuôi dưỡng từ 5 năm nay. Tại đây, chúng cháu được ăn uống đầy đủ, tạo điều kiện tốt để học tập.

          Bên cạnh những hoạt động chăm sóc, hỗ trợ NKT&TMC, hội còn triển khai các hoạt động, dự án, mô hình để NKT có việc làm, tăng thêm thu nhập, giảm gánh nặng cho gia đình, người thân. Đơn cử như: mô hình tạo việc làm cho 9 NKT của Nhà may Sài Gòn; mô hình làm chổi chít tạo việc làm cho 7 NKT; Câu lạc bộ tẩm quất tạo việc làm cho 16 NKT… với mỗi tháng cho thu nhập từ 4 đến 5,5 triệu đồng.

          Bà Lương Thị Mỹ An cho biết thêm: Thời gian qua đã có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của xã hội về NKT. Không còn thái độ kỳ thị, giờ đây NKT được nhìn nhận công tâm hơn và được xã hội dành sự quan tâm, sẵn sàng trợ giúp trên mọi phương diện. Đó là điểm tựa để NKT vượt lên hoàn cảnh, ổn định cuộc sống và đóng góp cho xã hội. Tuy nhiên, hiện NKT vẫn còn gặp khá nhiều rào cản trong việc hòa nhập cộng đồng như: hệ thống các cơ sở dạy nghề, dạy văn hóa chuyên biệt cho NKT, nhiều NKT còn khả năng lao động mong muốn có công việc để giảm gánh nặng của gia đình và xã hội nhưng vẫn khó tìm được việc làm phù hợp; nhiều công trình văn hóa, thể thao, giao thông công cộng vẫn chưa thực sự thân thiện với NKT.

          Để giúp đỡ NKT vững vàng vượt qua khó khăn, từng bước vươn lên ổn định cuộc sống, thời gian tới, hội sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng cho NKT dựa vào cộng đồng; đẩy mạnh các giải pháp phòng ngừa gia tăng NKT; chi trả chế độ kịp thời, đúng đối tượng, đúng chính sách bảo trợ xã hội của Nhà nước. Đặc biệt, Hội BTNKT&BVTE sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng quan tâm hơn nữa đến vấn đề hướng nghiệp, dạy nghề, giải quyết việc làm cho NKT. Đây là hướng trợ giúp bền vững giúp NKT xóa đi mặc cảm tự ti, đem lại nguồn vui sống, góp phần giảm bớt chi phí Nhà nước, tạo cơ hội cho NKT hòa nhập toàn diện với cộng đồng bằng chính khả năng của mình.

Nguồn: baolangson.vn