Skip to main content
Ban biên tập | 12 February 2018

          Sáng 6/2, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về BHXH, BHYT tháng 2/2018, dưới sự chủ trì của Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn.

          Nhiều chính sách mới về BHXH, BHYT

          Tại hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn cho biết, trong năm 2018, nhiều chính sách mới về BHXH, BHYT bắt đầu có hiệu lực. Một mặt sẽ mở rộng quyền lợi cho NLĐ tham gia vào hệ thống BHXH; đồng thời cũng tăng cường tính nghiêm minh của pháp luật về trách nhiệm tuân thủ nghĩa vụ này.

BHXH

          Cụ thể: Trong lĩnh vực BHXH, bắt đầu từ 1/1/2018, BHXH bắt buộc sẽ mở rộng phạm vi bao phủ đến những người làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng; NLĐ là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.

          Luật BHXH 2014 cũng bắt đầu điều chỉnh căn cứ để xác định mức thu nhập đóng BHXH của NLĐ không chỉ là tiền lương, mà còn bao gồm cả phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động. Cách tính tỉ lệ % hưởng lương hưu của NLĐ cũng được điều chỉnh theo hướng cân bằng giữa mức đóng và mức hưởng. Đồng thời, NSNN cũng bắt đầu thực hiện hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện như: Hỗ trợ bằng 30% mức đóng BHXH (thu nhập đóng BHXH bằng chuẩn của mức chuẩn hộ nghèo) đối với người tham gia thuộc hộ nghèo; bằng 25% đối với người tham gia thuộc hộ cận nghèo; bằng 10% đối với các đối tượng khác.

          Điều chỉnh tiền lương, thu nhập tháng đã đóng BHXH theo chỉ số giá tiêu dùng đối với người thực hiện chế độ tiền lương do người SDLĐ quyết định; người bắt đầu tham gia BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định từ ngày 1/1/2016 trở đi; người tham gia BHXH tự nguyện.

          Với việc Bộ luật Hình sự có hiệu lực từ 1/1/2018, nhiều vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT cũng được đưa vào xử lý trách nhiệm hình sự. Trong đó gồm: Điều 214 (Tội gian lận BHXH, BH thất nghiệp), Điều 215 (Tội gian lận BHYT) và Điều 216 (Tội trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho NLĐ).

          Thông tin về những điểm cần lưu ý trên thẻ BHYT từ năm 2018, ông Chu Minh Tộ- Trưởng Ban Sổ thẻ (BHXH Việt Nam) nhấn mạnh, BHXH Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi đi KCB. Theo ông Tộ, trường hợp thẻ BHYT ghi chưa đúng họ tên, ngày sinh, giới tính như trong tờ khai của người tham gia, cơ quan BHXH có trách nhiệm điều chỉnh và đổi thẻ BHYT, người tham gia BHYT sẽ không phải cung cấp các giấy tờ để chứng minh. Tương tự, trường hợp thẻ BHYT cũ còn giá trị sử dụng và đã đổi quyền lợi theo đối tượng có mức hưởng cao hơn, nếu được đổi thẻ theo mã số BHXH (thẻ BHYT mới) không ghi đúng mức hưởng như thẻ cũ, người tham gia BHYT chỉ cần liên hệ với cơ quan BHXH nơi cấp thẻ mới để điều chỉnh theo thẻ đã cấp trước đó. Trường hợp thẻ BHYT cấp theo mã số BHXH có thời điểm tham gia đủ 5 năm liên tục ghi chưa đúng, người tham gia cung cấp thêm thông tin về tên, địa chỉ của các đơn vị nơi đã có quá trình tham gia trước đó hoặc thẻ cũ (nếu còn lưu giữ) cho cơ quan BHXH nơi cấp thẻ. Còn lại, cơ quan BHXH sẽ có trách nhiệm xác minh, điều chỉnh dữ liệu và in thẻ BHYT mới cho người tham gia ngay trong ngày.

          Cầm cố sổ BHXH: Ai chịu thiệt?

          Phản ánh thực trạng xảy ra tại BHXH một số địa phương (Phú Yên, Vĩnh Long, Đồng Nai, TP.HCM, Đắk Nông…) khi một số NLĐ đem sổ BHXH đi cầm cố tại các hiệu cầm đồ, ngân hàng, sau đó đề nghị cơ quan BHXH cấp lại sổ BHXH mới, ông Chu Minh Tộ khẳng định: "Việc cầm số sổ BHXH sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của NLĐ, của người nhận sổ BHXH để cầm cố, ảnh hưởng đến cơ quan BHXH, DN có người tham gia BHXH".

          Theo ông Tộ, việc làm này là trái với quy định của pháp luật, bởi lẽ Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn không quy định việc cầm cố, thế chấp sổ BHXH và không quy định cấp lại sổ BHXH đối với trường hợp NLĐ đem sổ BHXH đi cầm cố, chỉ cấp lại sổ BHXH do bị hỏng, mất; Luật BHXH cũng không quy định đối với trường hợp cầm cố sổ BHXH. Nếu NLĐ mang sổ BHXH đi cầm cố, sau đó đề nghị cơ quan BHXH cấp lại sổ BHXH với lý do bị mất, hỏng, nếu cơ quan BHXH phát hiện, thì NLĐ sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng theo quy định tại Khoản 1, Điều 27, Nghị định 95/2013/NĐ-CP (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng) về hành vi kê khai không đúng sự thật.

          Đặc biệt, ông Tộ nhấn mạnh, pháp luật về BHXH không cho phép mua bán, chuyển nhượng thời gian NLĐ tham gia BHXH. Điều này có nghĩa, chỉ người nào tham gia BHXH thì người đó hoặc thân nhân của họ mới được hưởng quyền lợi liên quan. Vì vậy, nếu NLĐ cầm cố sổ BHXH, thì người nhận cầm cố sổ sẽ không thể đem sổ BHXH nhận thế chấp đi giải quyết BHXH một lần mặc dù có giấy ủy quyền. Trường hợp NLĐ tham gia BHXH gặp rủi ro (trong thời gian chưa hưởng BHXH một lần mà qua đời), thì thân nhân của họ mới được hưởng chế độ tuất, chứ người nhận cầm cố sổ BHXH cũng không được hưởng (quy định tại Điều 67, Điều 69, Luật BHXH).

                                                                   Nguồn: baobaohiemxahoi.vn