Skip to main content
Ban biên tập | 5 December 2023

Để đạt được mục tiêu Chiến lược kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030, những năm qua, các cấp, ngành, đặc biệt là ngành y tế tỉnh đã tăng cường truyền thông, can thiệp giảm tác hại và nâng cao hiệu quả công tác điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn.

cc

Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tuyên truyền tại Trung tâm Bảo trợ tổng hợp tỉnh

Lũy kế đến tháng 11/2023, cả tỉnh đã phát hiện hơn 3.130 người nhiễm HIV, trong đó có hơn 2.200 người đã tử vong. Hiện toàn tỉnh có 937 người nhiễm HIV/AIDS sinh sống ở 151/200 xã, phường, thị trấn được quản lý, trong đó có 815 người nhiễm được điều trị ARV.

Truyền thông phù hợp với từng nhóm đối tượng

Để phòng, chống HIV/AIDS hiệu quả, truyền thông luôn đóng vai trò rất quan trọng, vì thông qua truyền thông góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết về các nguy cơ, sự lây lan và các biện pháp phòng tránh, giảm sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS, đồng thời tăng kết nối và thúc đẩy các dịch vụ về dự phòng, chăm sóc và điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS.

Bà Hoàng Thị Đặng, Trưởng Khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: HIV tiếp tục diễn biến ngày càng phức tạp, đường lây truyền HIV đang thay đổi qua quan hệ tình dục không an toàn trong cả các nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới, người sử dụng ma túy tổng hợp, người bán dâm và bạn tình của các nhóm đối tượng trên. Vì vậy khoa đã tham mưu đơn vị tăng cường truyền thông, đặc biệt chú trọng đến các nhóm đối tượng đích, đến cộng đồng với hình thức đa dạng.

Trước tiên, các cấp, ngành, đoàn thể đã lồng ghép các hoạt động truyền thông phòng, chống HIV/AIDS vào các lĩnh vực sức khỏe và xã hội khác trong các sự kiện truyền thông, các hội nghị, hội thảo, cuộc họp, treo băng rôn, khẩu hiệu, phát tờ rơi… Nội dung truyền thông tập trung vào các văn bản quy phạm pháp luật và các quy định mới liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đặc biệt, việc truyền thông được chú trọng ở những nhóm đối tượng có nguy cơ cao như: người sử dụng ma túy, người bán dâm, bạn tình của người nhiễm HIV… Từ đầu năm 2023 đến nay, Sở Y tế đã phối hợp với các cấp, ngành liên quan tổ chức 4.331 cuộc truyền thông trực tiếp với trên 171.950 lượt người tham gia.

Song song với đó, những năm gần đây, ngành y tế đã đa dạng hóa phương thức truyền thông cho phù hợp với tình hình mới, đăng tải thông tin, thông điệp về HIV/AIDS qua mạng xã hội (Facebook, Zalo…). Theo đó mỗi năm, các cơ sở y tế cập nhật, đăng tải hơn 100 bài viết tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS trên mạng xã hội thu hút hàng nghìn lượt người quan tâm, chia sẻ.

cc

Cán bộ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tuyên truyền nội dung phòng, chống HIV/AIDS đến các đối tượng tại Cơ sở cai nghiện ma túy

Chủ động xét nghiệm, điều trị hiệu quả

Nhằm giúp người nhiễm HIV sớm phát hiện tình trạng bệnh, tiếp cận điều trị sớm để kéo dài tuổi thọ, ngành y tế tỉnh đã tăng cường tư vấn, hướng dẫn người dân, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm nhất là đối với nhóm đối tượng có nguy cơ cao. Qua đó mỗi năm, các cơ sở y tế lấy mẫu xét nghiệm HIV được trên 20.000 người. Từ đầu năm 2023 đến nay có 24.267 người được lấy mẫu xét nghiệm, tăng hơn 3.200 mẫu so với cùng kỳ năm 2022, qua xét nghiệm đã phát hiện 38 mẫu dương tính với HIV, tăng 5 mẫu so với cùng kỳ năm 2022. Sau khi xét nghiệm HIV/AIDS, ngành y tế đã lập danh sách quản lý và điều trị sớm bằng thuốc ARV cho các trường hợp có kết quả dương tính.

Hiện nay, toàn tỉnh có 937 người dương tính với HIV/AIDS được đưa vào quản lý, trong đó có 815 người đang điều trị ARV, đạt gần 87%, tăng 4% so với cùng kỳ 2022. Kết quả điều trị cũng được nâng lên, cụ thể tỷ lệ người điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế ngày càng tăng, đến tháng 11/2023 là 95,5%, tăng 3,2% so với cùng kỳ 2021.

Anh N.V.T, xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng cho biết: Năm 2021, tôi làm xét nghiệm và phát hiện dương tính với HIV. Từ đó đến nay, tôi đến Trung tâm Y tế huyện khám và lấy thuốc hằng tháng. Nhờ tuân thủ quy trình điều trị, đến nay, tải lượng vi rút của tôi đạt dưới ngưỡng ức chế, sức khỏe ổn định.

Toàn tỉnh hiện có 6 cơ sở điều trị HIV/AIDS gồm Bệnh viện Đa khoa tỉnh và trung tâm y tế các huyện: Cao Lộc, Lộc Bình, Văn Lãng, Tràng Định, Hữu Lũng. Bác sĩ Hoàng Thị Loan, phụ trách chương trình HIV/AIDS, Khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS, Trung tâm Y tế huyện Lộc Bình cho biết: Mỗi năm trung tâm thực hiện xét nghiệm HIV cho hơn 1.000 người. Từ đầu năm 2023 đến nay, trung tâm đã lấy được hơn 800 mẫu xét nghiệm của phụ nữ mang thai và đối tượng có nguy cơ cao. Căn cứ vào kết quả xét nghiệm, chúng tôi lập danh sách quản lý đến nay là 75 người, trong đó đang điều trị tại trung tâm là 50 người; 100% bệnh nhân đến khám, lấy thuốc ARV hằng tháng và tuân thủ điều trị nên đều đảm bảo sức khỏe.

Việc tăng cường tuyên truyền, chủ động xét nghiệm và nâng cao hiệu quả điều trị đã từng bước đẩy lùi HIV/AIDS, giúp người bệnh duy trì sức khỏe tốt, hướng đến mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Nguồn: baolangson.vn