Skip to main content
Ban biên tập | 16 January 2018

          Năm 2017, chính sách Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (BHXH, BHYT) có sự đột phá, tạo sự lan tỏa rộng rãi trong xã hội. Tuy nhiên, bước sang năm 2018, việc thực hiện chính sách này được dự báo sẽ phải đối mặt với không ít thách thức. Trao đổi với Báo BHXH, ông Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhận định: Thành tựu nổi bật nhất của chính sách BHXH, BHYT là đã đi đúng đường lối, quan điểm của Đảng và Nhà nước; tỉ lệ bao phủ đối tượng tham gia ngày càng tăng. Bên cạnh đó, ngành BHXH được đánh giá có nhiều thành tựu trong cải cách TTHC, mang lại sự hài lòng cho người dân…

BHXH

          * PV: Vậy, theo ông, đâu là những khó khăn trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT?

          - Ông Bùi Sỹ Lợi:

          Hiện chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức. Thứ nhất, trong khu vực có quan hệ lao động- đối tượng bắt buộc phải tham gia BHXH, nhưng chúng ta mới có gần 14 triệu người tham gia (chiếm khoảng 60%-70% tổng lực lượng lao động đang làm việc). Như vậy, vẫn còn 5-6 triệu người thuộc nhóm này chưa tham gia. Cùng với đó, chúng ta có 70% lực lượng lao động trong khu vực phi chính thức, nhưng mới chỉ có 250.000 người tham gia BHXH tự nguyện- cho thấy “dư địa” của chúng ta còn rất nhiều.

          Thứ hai, từ 1/1/2018, áp dụng thu BHXH bắt buộc đối với một số đối tượng như: NLĐ có HĐLĐ từ 1 tháng trở lên, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Cũng từ thời điểm này, Nhà nước thực hiện hỗ trợ NLĐ tham gia BHXH tự nguyện. Chính phủ đã có nghị định quy định NLĐ thuộc hộ nghèo được Nhà nước hỗ trợ 30% tiền đóng BHXH tự nguyện, NLĐ hộ cận nghèo được hỗ trợ 20% và các đối tượng khác được hỗ trợ 10%. Trong khi đó, NSNN đang gặp khó khăn, gây trở ngại cho việc hỗ trợ.

          Về độ bao phủ BHYT chúng ta còn 13,5% dân số chưa tham gia, trong đó có 2,2 triệu SV thuộc đối tượng bắt buộc và người có điều kiện kinh tế.

          * Việc đưa nhóm lao động có HĐLĐ 1-3 tháng tham gia BHXH bắt buộc đang gặp khó khăn, nhất là về công tác quản lý. Ông nhận định vấn đề này như thế nào?

          - Lẽ ra, chúng ta phải thực hiện việc này ngay khi Luật BHXH 2014 có hiệu lực thi hành (1/1/2015), nhưng do là vấn đề khó nên phải kéo dài đến 1/1/2018. Nguyên nhân là do NLĐ và người SDLĐ chưa nhận thức được ý nghĩa của chính sách và quyền lợi, nghĩa vụ của mình. Đáng nói, nhiều NLĐ chưa nghĩ đến việc khi hết tuổi lao động hoặc không may gặp rủi ro trong cuộc sống thì sống dựa vào đâu?...

          Việc người lao đọng có hợp đồng lao động từ 1-3 tháng tham gia BHXH bắt buộc nhằm đảm bảo linh hoạt giữa chính sách BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện. Khi đó, NLĐ đang tham gia BHXH bắt buộc có thể chuyển sang tham gia tự nguyện hoặc đang từ tự nguyện có thể chuyển sang tham gia bắt buộc, nhằm giúp họ tích lũy thời gian tham gia BHXH để sau này đủ điều kiện hưởng lương hưu; nếu không may rơi vào nghèo khó sẽ được Nhà nước hỗ trợ 30% phí tham gia. Đây là chính sách linh hoạt, đảm bảo được quyền lợi cho NLĐ, nhưng quan trọng là phải làm sao thúc đẩy sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị và NLĐ.

          * Nhiều ý kiến cho rằng, cách tính lương hưu từ 1/1/2018 đối với lao động nữ đang có sự “khập khiễng”. Vấn đề này nên hiểu như thế nào, thưa ông?

          - Tôi phải khẳng định, về mặt chính sách bao giờ cũng có một lớp cắt ngang, thể hiện sự chênh lệch nhất định và có thể nhìn ra. Ví dụ như xác định phụ cấp khu vực, một đường kẻ ngang giữa tôi ở bên này được 0,7, nhưng ở bên khác có thể lại không được. Nếu không có lớp cắt này, có lẽ chúng ta sẽ phải kéo dài mãi chính sách không còn phù hợp.

          Theo Luật BHXH 2014, chúng ta thực hiện nguyên tắc đóng- hưởng (đóng cao hưởng cao, đóng thấp hưởng thấp). Trước 2018, lương hưu của NLĐ đủ điều kiện được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH, tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ để đạt mức tối đa bằng 75%. Tuy nhiên, đến 1/1/2018, mức lương hưu hằng tháng của NLĐ đủ điều kiện được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH và tương ứng với số năm đóng BHXH (lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm). 

          Với lao động nữ, vẫn giữ tuổi về hưu và để hưởng tối đa 75% thì phải có 30 năm đóng BHXH. Vì vậy, lao động nữ đủ 25 năm công tác khi về hưu đúng 1/1/2018 sẽ bị giảm 10% và bị thiệt thòi, nên Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH và BHXH Việt Nam báo cáo và thấy rằng số người bị tác động không lớn. Do vậy, nếu giờ sửa luật thì sang năm cũng lại phải sửa. Quan điểm của chúng tôi là không sửa, mà đề nghị Chính phủ điều chỉnh lương cho người về hưu từ 1/1/2018 tăng 7% mà không tăng cho tất cả những người về hưu.

          Đặc biệt, chúng ta cần ưu tiên cho những người có mức lương thấp; đồng thời ưu tiên cho khoảng 3.000 người bị ảnh hưởng bởi điều chỉnh tuổi nghỉ hưu. Ví dụ, người mất 10% thì chỉ cần tăng 2%, nhưng tăng này là tăng cả cuộc đời hưởng lương hưu; còn người tăng ít khoảng 1% và tăng này chúng ta để bù đắp thiệt thòi cho họ. Nếu năm 2019-2020, tiếp tục điều chỉnh theo cách này, thì đến năm 2021, việc cải cách chính sách mới đi vào nếp chung được.

                                                                                                  Nguồn: baobaohiemxahoi.vn