Skip to main content
Ban biên tập | 3 February 2021

       Theo quy định tại điểm b khoản 6 Điều 22 Luật bảo hiểm y tế (BHYT) đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 46/2014/QH13, “từ ngày 01/01/2021, quỹ bảo hiểm y tế chi trả chi phí điều trị nội trú theo mức hưởng quy định cho người tham gia bảo hiểm y tế khi tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến tỉnh trong phạm vi cả nước". Như vậy, người tham gia BHYT khi đi khám bệnh, chữa bệnh trái tuyến tại bệnh viện tuyến tỉnh sẽ được hưởng 100% chi phí điều trị nội trú theo mức quyền lợi được hưởng (từ 2020 trở về trước được hưởng 60% chi phí). Để hiểu rõ về quy định thông tuyến tỉnh, người tham gia BHYT cần lưu ý một số điểm sau:

          Về điều kiện hưởng: Người tham gia BHYT đi khám, chữa bệnh trái tuyến (không có giấy chuyển viện từ tuyến huyện) tại các bệnh viện tuyến tỉnh được hưởng 100% chi phí điều trị bằng với mức hưởng đối với trường hợp khám chữa bệnh đúng tuyến, chỉ áp dụng đối với các trường hợp điều trị nội trú. Trường hợp người có thẻ BHYT tự đi khám ngoại trú (không làm thủ tục nhập viện) thì sẽ không được Quỹ BHYT chi trả mà người bệnh sẽ phải tự  thanh toán chi phí khám, chữa bệnh.

          Về quy định "Người tham gia BHYT khám chữa bệnh trái tuyến được hưởng 100% chi phí điều trị nội trú theo mức hưởng": Là tỷ lệ được hưởng của người tham gia BHYT theo mức quyền lợi được hưởng theo quy định, cụ thể

          - Được thanh toán 100% chi phí KCB với các trường hợp thẻ BHYT có mã quyền lợi (ghi tại ô số 2) là 1 và 2 (như đối tượng là người có công, bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn…)

          - Được thanh toán 95% chi phí KCB với các trường hợp thẻ BHYT có mã quyền lợi là 3 (như hưu trí, người thuộc hộ gia đình cận nghèo…)

          - Được thanh toán 80% chi phí KCB với các trường hợp có thẻ mã quyền lợi là 4 và 5 ( như đối tượng là công chức, viên chức, người lao động, hộ gia đình…)

          Đối với các trường hợp tự đi KCB không đúng tuyến, có thời gian tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục thì số tiền cùng chi trả chi phí KCB không được tính để xác định điều kiện để cấp Giấy chứng nhận không cùng chi trả chi phí KCB BHYT trong năm.

Ảnh minh họa

          Thông tuyến BHYT là chính sách ưu việt của Nhà nước, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHYT có thể dễ dàng tiếp cận các dịch vụ y tế; được quyền lựa chọn các cơ sở khám chữa bệnh uy tín, phù hợp với nhu cầu của mình. Tuy nhiên, để đảm bảo được hưởng đầy đủ các quyền lợi KCB khi tham gia BHYT, người có thẻ BHYT nên khám chữa bệnh đúng tuyến theo quy định, chỉ những trường hợp thực sự cần thiết mới lựa chọn đi khám, chữa bệnh trái tuyến./.

Nông Kim Chi