Skip to main content
Ban biên tập | 23 July 2020

         Thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW, ngày 8/6/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Việt Nam” (Chỉ thị 43) những năm qua, các hoạt động nhân đạo, từ thiện trên địa bàn tỉnh đã thực sự có những chuyển biến tích cực. Tổ chức hội CTĐ trong tỉnh phát triển về chất lượng, không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động nhân đạo theo hướng thiết thực và hiệu quả; từng bước khẳng định vai trò, vị trí và sự đóng góp tâm huyết, trách nhiệm với công tác an sinh xã hội trên địa bàn.


Các chiến sỹ Công an tỉnh tham gia hiến máu tình nguyện

Để Chỉ thị 43 được thực hiện hiệu quả trên địa bàn tỉnh, Tỉnh uỷ đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của chỉ thị. Theo đó, Tỉnh ủy đã tổ chức các hội nghị lồng ghép, quán triệt, triển khai và hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 43 đến cán bộ chủ chốt các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc, các sở, ngành… Công tác tuyên truyền về Chỉ thị 43 còn được thực hiện đồng bộ, sâu rộng  đến cơ sở nên các cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp Nhân dân đã ngày càng nâng cao nhận thức, trách nhiệm của bản thân trong công tác từ thiện, nhân đạo và tham gia và các hoạt động, phong trào thiện nguyện ngày càng đông đảo. Qua đó, 10 năm qua, từ cấp tỉnh đến cơ sở đã tổ chức được trên 1.000 cuộc tuyên truyền lồng ghép về Chỉ thị 43, góp phần giúp công tác từ thiện, nhân đạo trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển thiết thực, hiệu quả và theo hướng bền vững.

Cụ thể, trong 10 năm qua, thông qua các hoạt động, phong trào như: Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, cuộc vận động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, công tác cứu trợ, hỗ trợ đột xuất… đã trợ giúp thiết thực cho trên 624.000 lượt đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn do thiên tai, bão lũ, dịch bệnh gây ra. Trong đó, hỗ trợ tiền, ngày công lao động xây, sửa chữa được 199 ngôi nhà nhân đạo; gắn trên 1.600 địa chỉ nhân đạo; trao tặng 210 con bò giống sinh sản cho các hộ đặc biệt khó khăn vùng sâu, vùng biên giới… với tổng trị giá  đạt trên 246 tỷ đồng.

Ông Lăng Văn Dỉ, thôn Cốc Toòng, xã Bảo Lâm, huyện Cao Lộc (một trong 199 hộ gia đình được nhận hỗ trợ xây mới nhà) cho biết: Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, bản thân thường xuyên đau ốm nên không còn sức khỏe lao động. Mọi chi phí sinh hoạt chỉ dựa vào 2 sào ruộng. Ngôi nhà cũ xuống cấp nghiêm trọng mà không có điều kiện sửa chữa. Trước hoàn cảnh đó, tôi được các cấp chính quyền, các cấp hội CTĐ quan tâm và hỗ trợ, giúp đỡ 60 triệu đồng để xây mới ngôi nhà. Ngôi nhà đã bàn giao và đưa vào sử dụng từ giữa năm 2019. Đây thực sự là niềm mơ ước của cả gia đình tôi bấy lâu nay. Có nhà mới kiên cố là động lực to lớn để gia đình tôi phấn đấu lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Bên cạnh công tác cứu trợ, hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn, các cấp hội CTĐ trong tỉnh còn đẩy mạnh công tác phối hợp với các ngành, đoàn thể tổ chức các hoạt động chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Theo đó, trong 10 năm qua, các cấp hội CTĐ đã phối hợp với các cơ quan tổ chức khám, chữa bệnh, tư vấn sức khỏe và cấp phát thuốc miễn phí cho trên 241.000 lượt người, mổ đục thủy tinh thể cho trên 2.100 người. Tổ chức được 150 đợt hiến máu tình nguyện và tiếp nhận được gần 23.000 đơn vị máu…

Bà Nông Bích Thuận cho biết thêm: Có thể khẳng định, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 43 trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động về công tác của Hội CTĐ; nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành đối với hoạt động của hội và phong trào từ thiện, nhân đạo. Đồng thời tác động mạnh mẽ, tạo sự phấn khởi trong cán bộ, hội viên tiếp tục tham gia các hoạt động thiện nguyện của tỉnh. Các hoạt động thiện nguyện của hội CTĐ ngày càng có hiệu quả, thu hút mọi tầng lớp Nhân dân tham gia, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần phát triển kinh tế – xã hội và xây dựng tổ chức hội vững mạnh.

Nguồn: baolangson.vn