Skip to main content
Ban biên tập | 7 July 2020

          Từ năm 2016-2020, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các đơn vị Bộ đội biên phòng xây dựng và triển khai 212 kế hoạch nghiệp vụ, xác lập và đấu tranh thắng lợi 74 chuyên án về mua bán người; môi giới, tổ chức hoạt động mại dâm, xuất nhập cảnh trái phép liên quan đến hoạt động mại dâm.

Tặng Bằng khen cho lực lượng thuộc BĐBP tỉnh tham gia đấu tranh Chuyên án 270N. Ảnh báo BRVT

Những năm qua, trên các tuyến biên giới, vùng biển, hoạt động mại dâm vẫn diễn ra kín đáo, thủ đoạn tinh vi, hình thức tổ chức nhỏ lẻ, chủ yếu ở các khu vực có hoạt động du lịch, thương mại, dịch vụ vui chơi, giải trí… và thường có liên quan đến địa bàn ngoại biên tiếp giáp với Việt Nam. Trọng điểm là khu vực biên giới, vùng biển các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Khánh Hòa, Bà Rịa- Vũng Tàu… và một số tỉnh miền Tây Nam Bộ.

Trước tình hình trên, Bộ Quốc phòng chỉ đạo các đầu mối trực thuộc triển khai đồng bộ các biện pháp nắm chắc tình hình địa bàn, quản lý chặt chẽ các loại đối tượng liên quan đến mại dâm, mua bán người vì mục đích mại dâm; các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện; đặc biệt, chỉ đạo Bộ đội biên phòng tăng cường tuần tra, kiểm soát biên giới, tập trung điều tra sâu các tuyến, địa bàn, tụ điểm phức tạp về tội phạm và tệ nạn xã hội ở nội, ngoại biên; kịp thời phát hiện đấu tranh hiệu quả, triệt phá các tụ điểm, đường dây, tổ chức hoạt động mại dâm, mua bán người vì mục đích mại dâm.

Điển hình như chuyên án 270N do BĐBP tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu triển khai. Cụ thể, vào khoảng tháng 3/2019, thông qua các mối quan hệ xã hội và mạng xã hội, chị Nguyễn Thị Như (tên nạn nhân đã được thay đổi), cư trú tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có quen một người đàn ông tên Hải (làm nghề môi giới thuyền viên đi biển). Sau 1 tuần quen biết, Hải đón Như đến TP Vũng Tàu chơi đồng thời đưa vào nhà nghỉ và ép quan hệ tình dục. Sau đó Hải đã dụ dỗ và lừa bán chị Như cho một quán karaoke để hoạt động mại dâm. Tại quán karaoke, chị Như đã bị chủ quán ép quan hệ tình dục với khách từ 1 đến 5 lần/ngày. Đến ngày 28/6/2019, chị Như bỏ trốn khỏi quán karaoke và trình báo sự việc với BĐBP Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngay sau khi nhận được tin tố giác, Bộ Chỉ huy BĐBP Bà Rịa - Vũng Tàu đã chỉ đạo các cơ quan nghiệp vụ tiến hành điều tra, xác minh, làm rõ. Căn cứ vào lời khai của người bị hại và chứng cứ thu thập được, ngày 297, Bộ Chỉ huy BĐBP Bà Rịa - Vũng Tàu đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, quyết định giữ người và thi hành lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp đối với đối tượng Trần Văn Hải (trú tại tỉnh Bến Tre) về hành vi mua bán người. Ngày 31/7, Bộ Chỉ huy BĐBP Bà Rịa - Vũng Tàu đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, đồng thời bàn giao toàn bộ hồ sơ, tang vật vụ án cho cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để điều tra theo thẩm quyền.

Về công tác tuyên truyền, ban chỉ đạo phòng, chống AIDS và tệ nạn xã hội Bộ Quốc phòng đã bám sát các nội dung hoạt động của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm hàng năm để xây dựng kế hoạch, hướng dẫn Ban chỉ đạo phòng, chống AIDS và tệ nạn xã hội cấp trực thuộc Bộ, triển khai các hoạt động tuyên truyền về chủ trương, chính sách phòng, chống mại dâm, HIV/AIDS, ma túy và mua bán người. Chỉ đạo các đơn vị toàn quân tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, ban ngành đoàn thể, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, tập trung công tác phòng, chống mại dâm, HIV/AIDS, ma túy và mua bán người. Đáng chú ý, từ năm 2016-2019, lực lượng Bộ đội biên phòng đã tuyên truyền được 12.635 cuộc với 315.875 người dân khu vực biên giới tham gia, từ đó, nâng cao nhận thức cảnh giác của nhân dân trong phòng, chống mại dâm, HIV/AIDS, ma túy và mua bán người.

Các đơn vị Quân đội đã phối hợp với cơ quan truyền thông tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng 550 phóng sự, trên 3.500 tin, bài liên quan đến phòng, chống mại dâm, HIV/AIDS, ma túy và mua bán người; in ấn, phát hành trên 3.000 tờ rơi, áp phích, băng đĩa hình tuyên truyền về phòng, chống mua bán người; lực lượng Bộ đội biên phòng đã phối hợp với Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH) thiết kế, in 230 pa nô tuyên truyền Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em, phòng, chống mua bán người (Tổng đài 111).

Thông qua các hoạt động tuyên truyền trong Quân đội đã góp phần hướng dư luận xã hội vào việc tham gia phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Phong trào quần chúng bảo vệ an ninh trật tự ngày càng được củng cố và phát triển sâu rộng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động; quần chúng nhân dân tích cực tham gia phòng ngừa, tố giác tội phạm và tệ nạn xã hội, xây dựng địa bàn lành mạnh.

Trong báo cáo tình hình tội phạm mua bán người (TPMBN) được Bộ Quốc phòng công bố cuối năm 2019, Bộ nhận định tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc là tuyến trọng điểm nhất về hoạt động của TPMBN. Địa bàn biên giới tuyến Việt Nam - Trung Quốc vừa là nơi trực tiếp xảy ra tội phạm, vừa là địa bàn trung chuyển nạn nhân từ các tỉnh, thành phố trong cả nước sang Trung Quốc.

Tuyến biên giới Việt Nam - Lào, các đối tượng tìm cách lừa gạt nạn nhân cư trú ở các huyện biên giới đưa ra các tỉnh phía Bắc bán sang Trung Quốc.

Tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, hoạt động mua bán người diễn ra theo hai chiều, vừa lừa bán nạn nhân người Việt Nam sang Campuchia, vừa trung chuyển nạn nhân từ Campuchia đưa qua Việt Nam để bán sang Trung Quốc.

Theo Bộ Quốc phòng, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Đối tượng phạm tội thường lừa gạt nữ thanh niên bằng cách giúp họ tìm việc làm, rủ đi làm ăn, buôn bán, mang vác hàng hóa, đi du lịch, thăm thân, qua lại biên giới một vài lần tạo lòng tin. Sau đó, nhóm tội phạm chuyển giao nạn nhân cho người Trung Quốc để bán vào các động mại dâm hoạt động dọc biên giới hoặc đưa vào vùng sâu, vùng xa để bán làm vợ bất hợp pháp.

Thời gian gần đây, tội phạm triệt để lợi dụng điều kiện kinh tế khó khăn, nhu cầu tìm việc làm của một bộ phận thanh niên, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, thông qua điện thoại di động, mạng xã hội (Zalo, Facebook…) sử dụng nick ảo, tên, tuổi, địa chỉ giả để kết bạn, làm quen, môi giới tìm việc làm, môi giới hôn nhân, vờ yêu đương rồi lừa bán nạn nhân ra nước ngoài vì mục đích bóc lột lao động, kết hôn trái pháp luật, bóc lột tình dục….

Bên cạnh đó, họ tạo nhóm, diễn đàn kín trên mạng xã hội với hình thức môi giới mua - bán trứng, đẻ thuê... nhưng thực chất là dụ dỗ, lôi kéo những phụ nữ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn đưa sang Trung Quốc mang thai hộ.

Một số đối tượng còn trực tiếp đến các vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực biên giới để tìm những phụ nữ mang thai ngoài ý muốn hoặc đang có thai nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn để đưa sang Trung Quốc sinh và bán trẻ sơ sinh.

Nhiều người lợi dụng sơ hở của pháp luật về cho, nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài để “thu mua” trẻ sơ sinh, rồi móc nối với các trung tâm núp dưới sự trợ giúp pháp lý nhân đạo, lập hồ sơ trẻ em bị bỏ rơi để hợp pháp hóa, rồi tìm cách chuyển ra nước ngoài bán.

Nguồn: tiengchuong.vn