Skip to main content
Ban biên tập | 20 July 2018

          Sáng ngày 26/6/2018, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp với Quỹ từ thiện Bloomberg (Hoa Kỳ) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Vận động chính sách Toàn cầu (GHAI) tổ chức Hội thảo triển khai chương trình hợp tác “Về phòng chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam”. Dự hội thảo, có Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà; bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Bà Kelly Henning Giám đốc toàn cầu Chương trình Y tế công cộng-Quỹ từ thiện Bloomberg; ông Jun Nakagawa, Phó Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam; bà Marina Cater, Giám đốc điều hành Tổ chức vận động chính sách y tế toàn cầu Hoa Kỳ; Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) Đặng Hoa Nam; đại diện các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan Trung ương và một số địa phương.

te
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà tặng vật phẩm cho bà Kelly Henning

          Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết: Tai nạn thương tích là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em và người chưa thành niên ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, nguyên nhân cao nhất trong nhóm này là do đuối nước. Chỉ một phút bất cẩn hoặc do thiếu kiến thức, kỹ năng mà chúng ta có thể mất đi sinh mạng của các em. Hàng ngày khi chúng ta ngồi đây vẫn còn nhiều trẻ em bị tử vong do đuối nước. Có thể nói, đuối nước không những cướp đi sự sống, ảnh hưởng đến sự phát triển của các em, mà còn để lại những nỗi đau không nguôi cho chính chúng ta, cho nhiều gia đình và xã hội sau này. Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em tuyên bố rằng mọi trẻ em đều có quyền được sống trong môi trường an toàn, được bảo vệ tránh khỏi thương tích, bạo lực. Bảo vệ những quyền này thật không dễ dàng, song có thể thực hiện được nếu chúng ta cùng nắm tay nhau hành động.

te

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà phát biểu tại Hội thảo

          Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cũng thông tin thêm: Trong thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành luôn quan tâm chỉ đạo công tác phòng, chống tai nạn thương tích nói chung, đặc biệt là phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Hệ thống pháp lý liên quan đến công tác phòng, chống đuối nước trẻ em ngày càng hoàn thiện. Luật Trẻ em năm 2016 đã quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 234 phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2016 - 2020. Chương trình đã thể hiện sự liên kết của các ngành nhằm tăng cường nỗ lực chung để phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, với mục tiêu giảm tử vong do đuối nước ở trẻ em, dạy cho trẻ em các kỹ năng an toàn trong môi trường nước và tạo một môi trường an toàn cho trẻ em. Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 17/CT-TTg về việc tăng cường chỉ đạo, thực hiện phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho học sinh, trẻ em. Việt Nam đã triển khai tích cực các hoạt động nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em, các chiến dịch truyền thông triển khai trên toàn quốc đã tác động tích cực. Nhận thức của xã hội đối với việc phòng, chống đuối nước trẻ em; các nguy cơ gây đuối nước trẻ em tại gia đình, trường học, cộng đồng được loại bỏ dần. Việc dạy bơi và dạy kỹ năng an toàn cho trẻ được triển khai tại nhiều địa phương với sự tham gia của cộng đồng và các tổ chức quốc tế. Kế hoạch liên ngành về phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2017 - 2020 đã được 9 Bộ, ngành, đoàn thể ký kết, tạo sức mạnh liên ngành với một can thiệp.

te

Bà Kelly Henning phát biểu tại Hội thảo

          Cũng tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà chia sẻ thêm: Với nỗ lực của Việt Nam, tình hình tử vong do đuối nước ở trẻ em đã giảm so với giai đoạn trước, tuy nhiên vẫn ở mức cao và vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ em. Trung bình mỗi năm trong giai đoạn 2010 - 2013 có khoảng 2.800 trẻ em tử vong do đuối nước, giai đoạn 2015 - 2017 số vụ đuối nước và số trẻ em tử vong do đuối nước có xu hướng giảm nhưng giảm chậm và còn ở mức cao, trung bình mỗi năm có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Tử vong do đuối nước ở trẻ em ở Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần so với các nước có thu nhập cao, do đó ảnh hưởng đến quyền của trẻ em, đặc biệt là quyền sống còn cho các em.

          Cũng theo Thứ trưởng: Bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta vẫn còn nhiều thách thức trong việc thực hiện mục tiêu của Chính phủ vào năm 2020. Đó là nhận thức của gia đình, cộng đồng, xã hội về nguy cơ gây đuối nước trẻ em còn hạn chế; trẻ thiếu sự giám sát, trông giữ của cha mẹ, người chăm sóc trẻ; nhiều trẻ chưa biết bơi, thiếu kỹ năng an toàn trong môi trường nước; môi trường xã hội cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây đuối nước trẻ em. Nhiều địa phương còn thiếu cơ sở vật chất và hướng dẫn viên dạy bơi đặc biệt là các vùng nghèo, vùng miền núi, vùng còn khó khăn.  Nhằm giảm tử vong do đuối nước ở trẻ em, trong thời gian tới Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành triển khai có hiệu quả Quyết định số 234 về Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2016 - 2020; Và phối hợp với 8 Bộ, ngành triển khai kế hoạch liên ngành phòng, chống đuối nước trẻ em đã được ký kết; Triển khai dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em và các biện pháp giám sát trẻ, trông giữ trẻ tại gia đình, cộng đồng; phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới và các tổ chức liên quan xây dựng mạng lưới phòng, chống đuối nước trẻ em tại Việt Nam, và thúc đẩy hơn nữa sự vào cuộc của toàn xã hội trong công tác phòng, chống đuối nước trẻ em; Nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ phòng, chống đuối nước trẻ em, ưu tiên hỗ trợ việc học bơi và dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em nghèo và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; Tăng cường giám sát liên ngành và huy động sự tham gia của cộng đồng, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp tham gia phòng, chống đuối nước cho trẻ em cùng với chúng ta.

          Cũng tại hội thảo, bà Kelly Henning, Giám đốc toàn cầu Chương trình y tế công cộng của Quỹ từ thiện Bloomberg cho biết, từ năm 2012, Quỹ đã thí điểm hỗ trợ chương trình phòng chống đuối nước trẻ em ở 2 quốc gia là Bangladesh và Philippines. Trong 05 năm qua, chương trình đã được thực hiện rất thành công ở hai quốc gia trên thông qua việc triển khai các can thiệp đặc thù và phù hợp cho cộng đồng, người dân mỗi nước. Các hoạt động chính như tổ chức trông trẻ vào thời điểm có nguy cơ cao, dạy trẻ bơi và có kĩ năng an toàn dưới nước, xây dựng bể bơi tại cộng đồng, truyền thông, nâng cao năng lực cho cộng đồng và thực hiện các nghiên cứu đánh giá...

          Chương trình hợp tác phòng chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam sẽ bao gồm 2 chương trình can thiệp: hỗ trợ các biện pháp đảm bảo trông giữ trẻ an toàn, đặc biệt là trẻ dưới 05 tuổi tại gia đình, cộng đồng; dạy bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em từ 6 - 15 tuổi. “Chương trình hợp tác thực hiện ở Việt Nam rất đặc biệt bởi được xây dựng dựa trên các can thiệp đã được chứng minh hiệu quả và có sự điều chỉnh cho phù hợp với từng địa bàn dự án”, Giám đốc điều hành GHAI nhận định./.

Nguồn: molisa.gov.vn