Skip to main content
Ban biên tập | 13 July 2018

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã khẳng định như trên khi trả lời lời, làm rõ những vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm liên quan đến chất vấn về bảo vệ quyền trẻ em.

Ý kiến của nhiều vị đại biểu Quốc hội nhận định, tình trạng bạo hành, bạo lực, xâm hại đối với trẻ em trong những năm qua ngày càng tăng, nhiều vụ việc phức tạp và nghiêm trọng xảy ra từ thành thị đến nông thôn đã và đang trở thành mối quan tâm chung của toàn xã hội.

Về khung hành lang pháp lý để xử lý đối với hành vi vi phạm pháp luật này từng bước đã được Quốc hội, Chính phủ quan tâm xây dựng cơ bản hoàn thiện như Luật Bảo vệ trẻ em, Bộ luật Hình sự...

Tuy nhiên, Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) bày tỏ băn khoan vì cho rằng các cơ sở pháp lý bảo vệ quyền trẻ em chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa có hiệu quả nhằm bảo vệ trẻ em một cách hoàn thiện hơn trong môi trường lành mạnh để phát triển toàn diện và nêu câu hỏi: Với trách nhiệm của mình, Bộ trưởng có suy nghĩ gì và có những giải pháp đồng bộ gì để giải quyết vấn đề trên một cách hiệu quả hơn trong thời gian tới?.

Đề cập tới các nội dung mà đại biểu Nguyễn Tạo nêu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trước hết về bạo lực, trên thế giới hiện nay bình quân 1 năm có khoảng 150 triệu em bị bạo lực trong đó khoảng 73 triệu là bé trai. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương là khu vực có tỉ lệ bạo lực và xâm hại trẻ em lớn nhất. Việt Nam hằng năm bình quân có khoảng 2.000 trường hợp bạo lực nhưng Bộ trưởng cho rằng đây chỉ là con số thống kê, còn con số có thể tăng vì nhiều trường hợp không có thông tin.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, chúng ta có đầy đủ khung pháp lý, quy định trong Luật Trẻ em, Nghị định 61, đặc biệt là khi tình hình bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em gia tăng, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 18 quy định và phân công rất rõ từng ngành, từng cấp, từng địa phương.

Nhiều giải pháp khác nhau đã được thực hiện, từ tuyên truyền vận động, đến thành lập đường dây nóng 111; đã xử lý nghiêm một số vụ việc đặc biệt, các vụ nổi cộm trong đó lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước trực tiếp có ý kiến. Bộ Lao động-Thương Binh và Xã hội có trách nhiệm quản lý nhà nước cũng trực tiếp đôn đốc theo dõi những vấn đề này.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục rà soát lại toàn bộ hệ thống pháp luật một lần nữa và cụ thể hóa hơn trách nhiệm các ngành, đặc biệt là tăng cường phối hợp hiệp đồng, đề cao trách nhiệm của gia đình và nhà trường trong vấn đề quản lý phòng chống bạo lực và xâm hại trẻ em.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP. Hồ Chí Minh), trong báo cáo của Bộ trưởng và trên thực tế trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi có nhiều khó khăn không được hưởng hoặc được hưởng rất hạn chế quyền của trẻ em, ví dụ như quyền được vui chơi, giải trí và các điều kiện học hành. Đảng và Nhà nước cũng như các địa phương có nhiều chính sách chăm lo cho trẻ em và trong thời gian vừa qua đạt được nhiều kết quả tốt, tuy nhiên hạn chế đó là thực tế. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết Bộ trưởng và Bộ có trách nhiệm như thế nào trước tình hình này. Đồng thời Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng nêu lên một số đề nghị để giải quyết các vấn đề nêu trên, trong đó nhấn mạnh đối với quyền được học và các quyền được vui chơi, giải trí cần có chuẩn hóa về đầu tư xây dựng trường học cho các vùng khó khăn, nhất là trường học đa chức năng, kể cả chức năng vui chơi và giải trí miễn phí cho trẻ em ở các vùng này. Phải có chế độ dinh dưỡng, miễn phí về sữa học đường. Phải cung cấp đồ ấm cho trẻ em, bảo đảm đủ ấm vào mùa đông.

Về vấn đề mà đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nêu lên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thừa nhân thiệt thòi này là chuyện có thật do điều kiện sinh sống, điều kiện kinh tế-xã hội và tỉ lệ hộ nghèo ở miền núi cao.

“Tôi thừa nhận là nhiều chính sách của chúng ta đến với các em và tỉ lệ các em được thụ hưởng cái này, mức độ thụ hưởng còn hạn chế, trừ trường hợp các em vào trường dân tộc nội trú thì các chế độ thụ hưởng được đảm bảo. Trước hết là trách nhiệm về mặt quản lý nhà nước, mặc dù chúng tôi đã cố gắng phối hợp với Ủy ban Dân tộc miền núi kiểm tra đôn đốc, giám sát việc này nhưng kết quả chưa được như mong muốn, đặc biệt quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 2085 chưa được cụ thể hóa. Vấn đề này xin tiếp thu ý kiến đại biểu Quyết Tâm, thời gian tới chúng tôi tiếp tục phải chú ý nhiều hơn lĩnh vực này”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ đồng thời khẳng định những nội dung mà đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đề xuất là rất đúng và Bộ trưởng xin được tiếp thu, cụ thể hóa.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, việc tiếp thu và cụ thể hóa các đề xuất của đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm phải có nguồn lực để thực hiện vì chính sách phải luôn đi kèm với nguồn lực. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trình, tham mưu Chính phủ và phối hợp các bộ trong xem xét các đề nghị của đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm./.

Nguồn: baochinhphu.vn