Skip to main content

Lễ ký kết Chương trình hợp tác giữa Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam và Trung tâm phát triển Châu Á – Thái Bình Dương về NKT (APCD)

         Thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật (NKT) và Chiến lược INCHOEN nhằm hiện thực hóa quyền cho NKT khu vực Châu Á - Thái Bình Dương giai đoạn 2012-2022, ngày 19/2/2019, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam phối hợp với Trung tâm phát triển Châu Á – Thái Bình Dương về NKT (APCD) tổ chức Lễ ký kết Chương trình hợp tác giữa UBQGNKT và APCD”.

         Đến dự, chỉ đạo Lễ ký kết có ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật; ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật; Ngài Pi rùn Lài S-mít, Giám đốc điều hành, Trung tâm phát triển Châu Á - Thái Bình dương về NKT; Ngài Thà Nì Sẻng rắt, Đại sứ Hoàng gia Thái Lan tại Việt Nam cùng đại diện các Bộ, ngành, tổ chức đoàn thể ở Trung ương, các tổ chức Hội của NKT và một số tổ chức quốc tế.

         Hoạt động trợ giúp NKT đã có sự thay đổi căn bản

         Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho biết: Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ NKT cao trong khu vực Châu Á- Thái Bình Dương và trên thế giới với khoảng 6,2 triệu NKT, tương ứng với 7,06% dân số trên 2 tuổi.

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng đánh giá cao các hoạt động trợ giúp NKT thời gian qua

         Mặc dù là một nước nông nghiệp nghèo lại phải trải qua nhiều năm chiến tranh tàn phá, nhưng Nhà nước và nhân dân Việt nam vẫn dành cho NKT sự quan tâm, chăm lo sâu sắc, được thể chế trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật. Quốc hội Việt Nam đã ban hành Luật người NKT và phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của NKT. Việt Nam đã cam kết tham gia đầy đủ, tích cực Thập kỷ Châu Á - Thái bình dương/khuôn khổ hành động BIWAKO giai đoạn 2003- 2012 và Thập kỷ tiếp theo 2013 - 2022.

         Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành và thực thi nhiều chính sách nhằm bảo vệ, chăm lo, trợ giúp NKT. Đặc biệt, hoạt động trợ giúp NKT cũng có sự thay đổi căn bản đó là từ sự trợ giúp mang tính nhân đạo từ thiện chuyển sang trợ giúp theo quan điểm phát triển. Trước đây trợ giúp NKT chủ yếu là lương thực, với mức bảo đảm để người khuyết không bị đói sang thực thi chính sách bảo đảm an sinh xã hội đối với NKT, đảm bảo trẻ em khuyết tật được đến trường, NKT được học nghề, tạo việc làm, NKT nghèo được hỗ trợ nhà ở, tiếp cận thông tin, y tế, văn hóa, giải trí…

Ngài Pi rùn Lài S-mít, Giám đốc điều hành, Trung tâm phát triển Châu Á - Thái Bình dương về NKT phát biểu tại Hội nghị

         Báo cáo của Ủy ban Quốc gia về NKT cho thấy, ước tính bình quân mỗi năm trên cả nước có khoảng 3.000 NKT và gia đình có NKT được hỗ trợ sinh kế dưới các hình thức: cải thiện điều kiện sinh hoạt (nhà ở, công trình vệ sinh, nước sạch...), hỗ trợ máy móc, công cụ sản xuất, cây con giống.

         Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhấn mạnh: “Tất cả những trợ giúp của Chính phủ và xã hội đã tạo điều kiện thuận lợi cho NKT xóa bỏ mặc cảm, tự vươn lên hòa nhập xã hội và đóng góp tích cực vào tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của dân tộc. Đã có rất nhiều tấm gương là NKT thành đạt trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học, chính trị và văn hóa xã hội. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần, vị thế của NKT ở Việt Nam ngày càng được cải thiện, nâng cao”.

Toàn cảnh Hội nghị

         Một tiến bộ to lớn khác là nhận thức về vấn đề khuyết tật và về NKT ở Việt Nam phù hợp với cách tiếp cận của thế giới và của khu vực đó là quyền con người, quyền công dân. Sự tôn trọng của các cấp chính quyền, đoàn thể và toàn xã hội đối với NKT chính là điều kiện thuận lợi để NKT ở Việt Nam vươn lên hòa nhập cộng đồng và tự định đoạt cuộc sống và tương lai của chính mình. Tiếng nói và nguyện vọng của NKT được lắng nghe và lưu tâm đáp ứng.

Ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về NKT và Ngài Pi rùn Lài S-mít, Giám đốc điều hành, Trung tâm phát triển Châu Á - Thái Bình dương về NKT ký kết Chương trình hợp tác giữa UBQGNKT và APCD.

         Vẫn còn nhiều thách thức

         Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nêu trên, công tác trợ giúp NKT ở Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, hạ tầng cơ sở xã hội vì vậy chưa thể đáp ứng thỏa đáng nhu cầu nguyện vọng của NKT. Vẫn còn nhiều NKT sống trong cảnh nghèo, cận nghèo, sức khỏe hạn chế, thiếu việc làm và sống phụ thuộc vào trợ giúp của gia đình và xã hội. Họ chủ yếu làm các nghề nông - lâm - ngư nghiệp, có thu nhập rất thấp so với các công việc khác, có khoảng 10% số NKT đã được đào tạo nghề theo các trình độ, nhưng chủ yếu ở trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng; số NKT tìm được việc làm còn ít. Người lao động khuyết tật còn rất khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi tạo việc làm. Việc triển khai hỗ trợ sinh kế cho NKT còn manh mún, chưa đồng đều; số lượng người được hỗ trợ sinh kế, đặc biệt là hình thành và phát triển mô hình sinh kế cụ thể còn hạn chế, mô hình sinh kế được hình thành còn ít và hiệu quả thấp...

         Cần tiếp tục rà soát, chỉnh sửa hoàn thiện pháp luật phù hợp với Công ước và Chiến lược Incheon

         Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những khó khăn nêu trên, theo Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, trong những năm tới Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục thực hiện đầy đủ có trách nhiệm được ghi trong Hiên pháp và pháp luật về NKT. Việt Nam cam kết tiếp tục triển khai thực hiện Chiến lược Inchoen giai đoạn 2013-2022 và Công ước quốc tế về quyền của NKT với mục tiêu giúp NKT ở Việt Nam có cuộc sống tốt hơn, có điều kiện thuận lợi để thực hiện các quyền do pháp luật quy định.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

         Còn theo Ủy ban Quốc gia về NKT, Việt Nam sẽ tập trung vào một số hoạt động cụ thể như:

         Một là, rà soát, chỉnh sửa hoàn thiện pháp luật phù hợp với Công ước và Chiến lược Incheon bảo đảm thực thi hiệu quả quyền của NKT trên các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giáo dục, đào tạo nghề, việc làm, văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí và du lịch, tiếp cận công trình công cộng, giao thông, công nghệ thông tin và truyền thông và trợ giúp pháp lý.

 

         Hai là, nghiên cứu xây dựng chương trình hành động quốc gia trợ giúp NKT hòa nhập cộng đồng cho NKT giai đoạn 2021-2030.

         Ba là, thúc đẩy thành lập và hiệu quả hoạt động của mạng lưới các tổ chức của NKT và doanh nghiệp của NKT.

         Bốn là, hỗ trợ thúc đẩy các sáng kiến, mô hình, chương trình trợ giúp cho NKT ổn định cuộc sống hòa nhập cộng đồng.

         Năm là, tăng cường hợp tác với các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước ASEAN trong lĩnh vực NKT.

Nguồn: ncd.btxh.gov.vn