Skip to main content

Hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng

          Tỉnh Quảng Ninh phấn đấu đến năm 2025, 90% trẻ em khuyết tật có nhu cầu được tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cộng đồng; 85% trẻ em khuyết tật có nhu cầu được cung cấp các kiến thức, kỹ năng hòa nhập cộng đồng phù hợp; 90% cha mẹ, người chăm sóc trẻ em khuyết tật được cung cấp các kiến thức, kỹ năng về hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cộng đồng…

          Đây là nội dung của Kế hoạch thực hiện Đề án hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng giai đoạn 2020 – 2025 trên địa bàn tỉnh do UBND tỉnh ban hành. Theo đó, tỉnh phấn đấu 90% trẻ em khuyết tật có nhu cầu được tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cộng đồng; 85% trẻ em khuyết tật có nhu cầu được cung cấp các kiến thức, kỹ năng hòa nhập cộng đồng phù hợp; 90% cha mẹ, người chăm sóc trẻ em khuyết tật được cung cấp các kiến thức, kỹ năng về hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cộng đồng; 100% cán bộ tại các cơ sở cung cấp dịch vụ liên quan đến bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, các tổ chức xã hội có liên quan đến trẻ em khuyết tật, cán bộ, cộng tác viên làm công tác trợ giúp trẻ em khuyết tật được cung cấp các kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em khuyết tật. Từng bước thiết lập mạng lưới liên kết các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em khuyết tật tại cộng đồng và xây dựng thí điểm một số mô hình dịch vụ hỗ trợ trẻ em khuyết tật.

http://media.laodongxahoi.net/483/2021/6/29/qn22.jpg

Đồng chí Lê Minh Sơn, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
thăm và tặng quà cho trẻ em khuyết tật.

          Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra, UBND tỉnh cũng yêu cầu các Sở, ban, ngành, các hội, đoàn thể và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai đầy đủ các quy định của pháp luật, chính sách của Nhà nước đối với trẻ em khuyết tật; rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến trẻ em khuyết tật và thực hiện quyền của trẻ em khuyết tật theo đặc thù và phù hợp với tình hình của tỉnh; Nghiên cứu, lựa chọn thí điểm triển khai một số mô hình hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cộng đồng như: Mô hình chăm sóc sức khỏe cho trẻ em khuyết tật, mô hình hỗ trợ giáo dục cho trẻ em khuyết tật; mô hình kết nối dịch vụ và hỗ trợ trẻ em khuyết tật với các dịch vụ. Đồng thời đẩy mạnh hoạt động truyền thông, vận động với nhiều hình thức phong phú để phổ biến, tuyên truyền quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, nhất là các chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với người khuyết tật, trẻ em khuyết tật nhằm năng cao nhận thức, cam kết trách nghiệm và hành động của các cấp, các ngành, gia đình và toàn xã hội trong việc hỗ trợ và đảm bảo trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cộng đồng. Tổ chức tập huấn năng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ các cấp, các đơn vị, các nhà cung cấp dịch vụ có liên quan, cán bộ các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em khuyết tật, cộng tác viên, tình nguyện viên, cha mẹ/người chăm sóc trẻ em khuyết tật và trẻ em khuyết tật. Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp hiệu quả giữa các cấp, các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội trong việc cung cấp các dịch vụ toàn diện về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em khuyết tật tại cộng đồng…

          Tính đến cuối năm 2020, toàn tỉnh Quảng Ninh có 325.219 trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó có 3.125 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt với 2.392 trẻ khuyết tật. Trong thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở luôn quan tâm, chỉ đạo sâu sát nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được quan tâm triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức. Qua đó, đã tác động tích cực, góp phần chuyển đổi nhận thức và hành động của các cấp, ngành, cộng đồng xã hội trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục và thực hiện quyền của trẻ em, đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt/trẻ em khuyết tật. Các mục tiêu vì trẻ em được đưa vào nghị quyết của các cấp ủy Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ngân sách bố trí cho những chương trình, mục tiêu vì trẻ em ở các cấp hằng năm đều tăng. Tỉnh đã bố trí bộ máy tổ chức để thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em đến tận thôn, bản, khu phố; phát triển các dịch vụ trợ giúp trẻ em trong các lĩnh vực phù hợp với tình hình địa phương và đáp ứng cơ bản những nhu cầu của trẻ em. Các cấp, các ngành cũng thường xuyên quan tâm bố trí kinh phí để tập huấn cho người làm công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em nắm được các kỹ năng, phương pháp tiếp cận với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cũng như trẻ em khuyết tật./.

Nguồn: Tạp chí điện tử Lao động và Xã hội