Skip to main content

Đồng hành và sẻ chia khó khăn với người khuyết tật

          Trong cuộc sống, có những con người mới sinh ra đã kém may mắn hơn người khác khi họ khuyết đi một bộ phận nào đó trên cơ thể. Nhưng vượt lên trên những hoàn cảnh đó, có những người bằng chính nghị lực, tình yêu dành cho cuộc sống đã vươn lên, khẳng định bản thân với cộng đồng và sẻ chia khó khăn với những người cùng cảnh ngộ.

http://baolangson.vn/uploads/2020/04/03/Thuy.jpg

Các thành viên người khuyết tật làm chổi chít tại Cơ sở Chổi chít của bà Dương Thị Từ

          Nằm trong con ngõ nhỏ của phường Đông Kinh, Cơ sở Chổi chít của bà Dương Thị Từ đã tạo việc làm ổn định cho từ 4 đến 10 người với thu nhập bình quân từ 2,5 triệu đồng/tháng trở lên. Có mặt tại cơ cở làm chổi chít, chứng kiến 4 -5 người khuyết tật (NKT) nhưng đôi tay vẫn nhanh thoăn thoắt làm ra những cái chổi đẹp và chắc chắn chúng tôi không khỏi cảm phục và xúc động bởi nghị lực của họ.

          Chị Lương Thị Bé (sinh năm 1979), thôn Bản Xoỏng, xã Bình Độ, huyện Tràng Định mới đến cở sở làm chổi được 3 tháng nhưng đã quen với công việc và có thu nhập bình quân 2,5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, chị còn được chủ cơ sở hỗ trợ nuôi ăn, chỗ ở miễn phí. Chị Bé chia sẻ: Tôi bị khuyết tật chân bẩm sinh không thể đi lại được, do vậy ở quê không có công việc phù hợp để làm. Biết đến cơ sở làm chổi chít của bà Dương Thị Từ, ở thành phố Lạng Sơn nên tôi đã xin vào làm và đã có thu nhập ổn định, tự trang trải cuộc sống, giảm được gánh nặng cho gia đình, xã hội.

          Không chỉ riêng chị Bé được Cơ sở Chổi chít bà Dương Thị Từ tạo việc làm, cho thu nhập mà còn có 5 số phận khác cùng cảnh ngộ được nhận vào làm việc và cho thu nhập ổn định. Theo tìm hiểu của phóng viên, Cơ sở Chổi chít của bà Dương Thị Từ đã có từ hơn 10 năm nay, nhưng trước đây chỉ làm tại nhà và tạo việc làm được ít người, trong 4 năm trở lại đây, cơ sở được đầu tư mở rộng và đã tạo được việc làm có lúc cao điểm nhất cho 10 người.

          Bà Dương Thị Từ, chủ Cơ sở Chổi chít cho biết: Bản thân tôi cũng bị khuyết tật từ nhỏ nên rất thấu hiểu và cảm thông cho những NKT và muốn giúp đỡ họ, sẻ chia khó khăn trong cuộc sống. Chính vì vậy, từ việc làm chổi chít bán hằng ngày, tôi đã mạnh dạn mở rộng sản xuất, tiếp nhận NKT vào cơ sở để đào tạo miễn phí và giải quyết việc làm cho họ từ hơn 5 năm nay. Cơ sở chổi chít của tôi luôn tạo việc làm ổn định cho từ 5 đến 7 người với thu nhập từ 2,5 đến 3 triệu đồng/người/tháng.

          Còn Nhà may Sài Gòn, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn cũng có những cách làm, hỗ trợ giúp đỡ NKT có việc làm, thu nhập ổn định. Từ năm 2014 đến nay, cơ sở may đã đào tạo cho 45 NKT, trong đó luôn tạo việc làm ổn định cho 12 người với thu nhập bình quân từ 3 đến 5 triệu đồng/tháng. Nhiều NKT được đào tạo nghề từ cơ sở đã tìm được việc làm tại các tỉnh, thành khác.

          Hiện nay, ngoài hai địa chỉ tạo được việc làm ổn định cho NKT, thì còn có các trung tâm dạy học, chăm sóc trẻ tự kỉ như: Trung tâm Ánh Sao, đường Trần Đăng Ninh và Trung tâm Giáo dục đặc biệt và trị liệu ngôn ngữ Phúc Tâm An, đường Lê Đại Hành, thành phố Lạng Sơn. Trung tâm dạy trẻ từ 18 tháng đến 16 tuổi với các đối tượng như trẻ chậm nói, rối loạn phát triển, tự kỉ, tăng động, giảm chú ý, khuyết tật trí tuệ và trẻ học kém. Trong đó, được chia thành các lớp đặc biệt như: lớp từ 18 tháng đến 3 tuổi; lớp từ 3 đến 6 tuổi và lớp từ 7 đến 16 tuổi. Tại trung tâm, trẻ được can thiệp sớm bệnh tự kỉ, chậm nói… qua đó giúp trẻ vượt qua khó khăn, phát triển năng lực học tập và kỹ năng tự lập cơ bản để sớm hòa nhập môi trường cộng đồng.

          Bà Lương Mỹ An, Chủ tịch Hội Bảo trợ NKT và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh cho biết: Toàn tỉnh hiện có gần 9.000 NKT, trong đó có 1.667 NKT đặc biệt nặng; gần 5.000 NKT nặng, còn lại là NKT nhẹ (chỉ có 10% NKT có việc làm ổn định). Dù cuộc sống của NKT trên địa bàn tỉnh đã được cải thiện nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

          Thực tế, việc dạy văn hóa, đào tạo nghề và tạo việc làm cho NKT chưa thực sự hiệu quả và còn nhiều hạn chế. Mấu chốt là giúp NKT có thể hòa nhập chính là tạo việc làm cho họ, nhưng hiện nay, không ít doanh nghiệp không nhận NKT vào làm việc dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp ở NKT cao… NKT là người yếu thế, rất cần sự quan tâm, giúp đỡ trực tiếp từ người thân, gia đình và xã hội, cần những tấm lòng sẻ chia của cộng đồng về vật chất và tinh thần. Hơn hết là sự tạo điều kiện của xã hội giúp họ có được việc làm phù hợp để tự nuôi sống bản thân, gia đình. Qua đó, giúp họ tự tin hòa nhập trong cuộc sống, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Nguồn: baolangson.vn